“Nghe tin bạn gặp bạo bệnh, tôi vô liền bệnh viện ngay lúc đặt chân xuống sân bay. Trước mặt tôi là hình ảnh một Trịnh Công Sơn nhỏ bé, mỏng dính nằm dán trên chiếc giường trắng tinh. Mở mắt ra thấy tôi, anh vẫn hỏi: “Toa mới về à?” Tôi nắm tay bạn”.
Tác giả Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ về tập sách “Về thu xếp lại” tại Hội Quán Các Bà Mẹ tháng 5/2019.
Và rồi tác giả khởi sự viết tập sách này, từ những lời ca của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mỗi tâm tình về cuộc đời được đặt tựa từ một lời ca.
Trịnh Công Sơn viết: “… Bạc đầu có phải đã chớm già không. Theo tôi, bạn Đỗ Hồng Ngọc ạ, đó chỉ là thay đổi một màu tóc… Tôi nghĩ rằng, không có già, không có trẻ, nói với một người trẻ, tôi già rồi em ạ, là vô lễ”.Và như vậy, những lời ca, một vài lời thơ trôi đi cùng những chia sớt về tuổi già đến, nhưng đó chẳng phải là quy luật sao? Như bức tranh của hoạ sĩ Lê Ký Thương mà ông chọn làm bìa, kể câu chuyện “Quy cố hương” của Bồ Đề Đạt Ma, người trở về trên vai lúc lắc với chỉ một chiếc dép.
“Má tôi tuổi già, ngày nào cũng tưới một cái bông giấy. Tôi tưởng má lẫn nên ghi bên cạnh dòng chữ: “bông giấy, không cần tưới”. Nhưng bà vẫn tưới, tôi nhịn không được, hỏi bà sao lại tưới một cái bông giấy, má tôi nói: “Vì má thương!”
Đúng rồi, khi chúng ta thương ai đó, vật gì đó, chúng ta muốn chăm sóc, gần gũi và có khi bầu bạn bằng cách chỉ nhìn ngắm thôi là đủ. Từ đó, tôi đặt bông giấy vào một cái tô, để cho má tôi tưới hàng ngày”, ông Đỗ Hồng Ngọc kể. Câu chuyện này thì có dính gì đến việc “về thu xếp lại”, có chứ, tôi, người viết bài này thầm nghĩ, một trong những thứ mà chúng ta có thể thu xếp lại mình, cho gọn gàng, chính là biết yêu thương chăm sóc vẻ đẹp và tình yêu mình đang gìn giữ.
Nhưng thu xếp lại, không có nghĩa là ở tuổi tám chín mươi, mà “bác sĩ Collin nói phải bắt đầu bàn chuyện “hộ tử” ngay từ bây giờ, dù bạn 25 hay 95”. Tôi nhớ có lần đọc cuốn Tạng thư sống chết của ngài Sogyal Rinpoche (Thích Nữ Trí Hải dịch), ngài nói về cái chết, đại ý rằng: bạn thường nghĩ đến cái chết trong lúc đau khổ, tuyệt vọng… có khi dẫn bạn đến cái chết thật ở tuổi trẻ, thật là đáng tiếc. Nhưng để thay đổi ý nghĩ về cái chết ám ảnh bạn và cả nỗi sợ hãi về cái chết, bạn hãy nghĩ đến cái chết ngay lúc bạn đang hạnh phúc nhất, bạn sẽ thấy rằng nó chẳng còn đáng sợ gì nữa cả.Nó sẽ làm cho bạn thật sự cảm nhận về cái chết, như bạn đang sống vậy.
Cũng thế, tác giả Đỗ Hồng Ngọc viết: “Có cách nào để người ta luôn nhớ đến cái chết để được sống hạnh phúc hơn không?” Và ông trả lời điều đó bằng lời dẫn dụ rằng, chúng ta chỉ cần lắng nghe hơi thở của mình: “Không có hơi thở nào của hôm qua. Không có hơi thở nào của ngày mai.Hơi thở chỉ có hôm nay. Ở đây và bây giờ. Cho nên biết thở là biết sống ở đây và bây giờ”.
Ở tuổi tám mươi và vẫn dần hoàn thiện những trang sách mới mỗi ngày, trước khi là một bác sĩ, tác giả Đỗ Hồng Ngọc đã là thi sĩ. Những bài thơ của ông giờ không cần tập hợp thành một tập để đọc cho… đã, mà tứ thơ cứ phảng phất trong từng trang viết, khiến chúng ta đọc mà không biết chán, cầm sách lên rồi thật khó bỏ xuống, nó thi vị đến nỗi, mỗi khi cảm thấy mỏi mệt trong từng nỗi nhọc nhằn, tôi lại tự “về thu xếp lại”, ngồi trong một góc lặng yên, và giở trang sách của ông ra, có khi cũng bắt gặp một khổ thơ rất nhẹ mà tan ra trong mình:
Lắng nghe hơi thở của mình/ Mới hay hơi thở của nghìn năm xưa/ Một hôm hơi thở tình cờ/Dính vào hạt bụi thành ra của mình/ Của mình chẳng phải của mình/ Thì ra hơi thở của nghìn năm sau…”
Giá mà tôi được đọc tập sách này, sớm hơn.
Sách có bán tại @Tiệm Sách Hội Quán Các Bà Mẹ https://www.facebook.com/hqcbmchoquegiuapho/?ref=pages_you_manage
Ngân Hà (theo TGHN)