Tháng 9.2019, hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại New York để các chính phủ, tổ chức dân sự, các thành phần tư nhân cam kết những nỗ lực lớn hơn nhằm giải quyết vấn đề khí hậu toàn cầu. Tháng 9 có ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-zôn. Tháng 9 phủ khắp các mặt báo và mạng xã hội là những bài viết, hình ảnh về những vụ cháy đặc-biệt-lớn, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng sống gần khu vực cháy mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống.
Rừng Amazon – lá phổi của nhân loại bốc cháy và còn cháy đến tận hôm nay, ám ảnh toàn thế giới với những hình ảnh khói đen che kín bầu trời, biến ngày thành đêm. Vụ cháy công ty Rạng Đông tại Hà Nội đã phát tán thủy ngân ra môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng ngàn hộ dân sinh sống trong vòng 2km. Và mới đây thôi là vụ cháy rừng ở Indonesia đã làm khói mù bao trùm nhiều nước, khiến nhiều ngày nay, bầu trời Sài Gòn cũng mờ mịt sương khói, bệnh viện Nhi Đồng mới phát ra thông báo trên fanpage về tác hại của bụi mịn, về tỉ lệ trẻ em mắc các chứng bệnh hô hấp tăng đột biến…
Giữa những sự kiện này, người ta bắt đầu đặt ra câu hỏi nghiêm túc về vấn đề sống xanh, giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường sống. Thế nhưng ta nên bắt đầu từ đâu, khi lối sống “không xanh” đã ăn sâu bén rễ trong tư tưởng và thói quen từng người. 9 quyển sách sau đây hi vọng sẽ gợi ý cho bạn những việc nho nhỏ để cải thiện môi trường sống, đồng thời cho bạn thêm động lực để duy trì lối sống hòa hợp với thiên nhiên.
Hơn hết, Bookish mong rằng “sống xanh” không chỉ là một xu hướng ngắn hạn trong tháng 9, mà sẽ phát triển thành một phong cách sống bền vững đến sau này.
1. Đời sống bí ẩn của cây
Cây cối cảm thấy gì?
Chúng giao tiếp thế nào?
Những phát hiện từ Thế Giới Bí Mật.
“Khi bạn biết rằng cây cũng biết đau, cũng có ký ức, và cây ba mẹ sống cùng con cái, thì bạn không còn có thể chặt chúng và phá vỡ cuộc sống của chúng bằng những cỗ máy to lớn nữa.”
Được xem là một trong những quyển sách hay nhất về cây cối, Đời sống bí ẩn của cây mở ra một thế giới kỳ diệu về đời sống xã hội phức tạp của những khu rừng ôn đới. Những cái cây giao tiếp với nhau, thể hiện cá tính riêng, hỗ trợ nhau lớn lên, chia sẻ chất dinh dưỡng cho những cá nhân đang chống chọi bệnh tật và thậm chí cảnh báo nhau về những nguy hiểm sắp xảy ra…
Không chỉ gây bất ngờ với những thông tin hấp dẫn về các loài cây cối mà lâu nay chúng ta vẫn xem là vô tri vô giác, trong tác phẩm này, Peter Wohlleben còn chia sẻ tình yêu sâu sắc của ông đối với cây và rừng, đồng thời giải thích các tiến trình thú vị của sự sống, cái chết và sự tái sinh mà ông đã quan sát được trong chính khu rừng của mình.
2. Đời không plastic
Đây không phải là một cuốn sách chống lại vật liệu plastic, mà là hành trình đi qua một ngày điển hình trong đời sống của chúng ta với góc nhìn cởi mở hơn.
Chúng ta hẳn đã quá thân thuộc mà không nhận ra rằng, từ thời điểm vừa chào đời, hầu hết những gì chúng ta nhìn thấy đều được làm từ plastic. Và chúng ta cũng quá quen đến nỗi không còn tự hỏi: Những vật dụng này có cần thiết không? Chất liệu plastic từ đâu đến? Đâu là điểm kết khi chúng hoàn tất công việc của mình?
Cuốn sách này sẽ giúp bạn tự vấn lại chứng nghiện plastic của bản thân (điều không mấy ai để ý), và khiến bạn lưu tâm hơn về những món đồ thông dụng đến nỗi hầu như bạn đã hết cân nhắc về chúng: Tại sao lại có một ống hút hay que khuấy bằng nhựa trong đồ uống của tôi? Tại sao miếng sandwich này lại được bọc trong màng plastic, rồi thì cà phê, nĩa, món rau trộn, bàn chải đánh răng và kem đánh răng, dầu gội, đồ chơi của trẻ em? Cả áo quần. Và bàn ghế, thảm trải, trần nhà của tôi nữa? Mọi chuyện này rốt cuộc là thế nào? Cuốn sách này sẽ giúp chúng ta trả lời mọi câu hỏi ấy.
3. Niên lịch miền gió cát
Aldo Leopold (1887-1948) là nhà khoa học, nhà địa chất học, nhà triết học, nhà môi trường học người Mỹ, và cũng từng là giáo sư tại Đại học Wisconsin. Tác phẩm Niên lịch miền gió cát của ông như một sự tổng hòa giữa lịch sử tự nhiên, nghệ thuật miêu tả phong cảnh bằng ngôn từ và cả triết học, với kết cấu gồm ba phần: Phần I là những quan sát về sự thay đổi theo từng tháng của sinh vật tại khu trang trại ở Wisconsin, phần II là ghi chép từ những hành trình khám phá đời sống hoang dã trải rộng khắp châu lục suốt 40 năm, và phần III trình bày những nhận định về một số vấn đề liên quan đến việc bảo tồn thiên nhiên hoang dã.
Những bài viết trong Niên lịch miền gió cát không chỉ khéo léo mô tả vẻ đẹp thiên nhiên, mối liên hệ giữa từng sinh vật với cả hệ sinh thái, thể hiện sự quan sát, khảo cứu và kiến văn của Leopold về địa chất – sinh thái, mà còn bộc lộ rõ quan điểm của ông về đạo đức đất đai: Một hành động là đúng đắn khi nó hướng tới việc bảo tồn được tính toàn vẹn, ổn định và vẻ đẹp của cộng đồng sinh vật. Hành động đó là sai nếu không bảo tồn được những điều vừa nói.
Khi viết ra các nhận định vào thời điểm những năm 1940, Aldo Leopold không hình dung được cuốn sách của mình sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến mức nào. Thế nhưng, cho đến nay, cuốn sách vẫn được ngày càng nhiều độc giả yêu thích, trở thành nguồn tư liệu quý giá, làm thay đổi phong trào môi trường và đóng vai trò nền tảng trong lĩnh vực chính sách, đạo đức và khoa học bảo tồn hiện đại.
4. Mùa xuân vắng lặng
Điều gì sẽ xảy ra, khi thiên nhiên “phản đòn” đến loài người?
Nhà tự nhiên học nổi tiếng Sir David Attenborough cho rằng nếu phải tìm một tác phẩm để so sánh với Mùa xuân vắng lặng về sức ảnh hưởng của nó lên thế giới khoa học kỹ thuật này, thì đó chỉ có thể là Nguồn gốc các loài (The Origin of Species) của Charles Darwin.
Được đăng thành nhiều kỳ trên tờ New Yorker trước khi xuất bản thành sách vào tháng Chín năm 1962; đến nay, Mùa xuân vắng lặng đã bán được hơn hai triệu bản. Rachel Carson đã chỉ ra những thiệt hại nghiêm trọng về môi trường sống do thuốc trừ sâu tổng hợp DDT gây ra, và bày tỏ sự quan ngại to lớn khi chính phủ Mỹ cho phép việc sử dụng tràn lan những hóa chất độc hại trước khi hiểu rõ hệ quả lâu dài của chúng đối với môi trường và sự sống. Cuốn sách ra đời không những gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội Mỹ, như một hồi chuông cảnh tỉnh về môi trường, mà còn là tiền đề cho việc ra đời nhiều bộ luật và cơ quan kiểm soát chặt chẽ sau này.
“Rachel Carson để lại cho chúng ta một di sản không chỉ có thể bao quát được cuộc sống tương lai, nhiệt huyết cả đời của bà, mà còn giữ vững được tinh thần của nhiều thế hệ. Bà bắt chúng ta đối mặt với sự tàn phá của hóa chất lên toàn cầu và kêu gọi chúng ta điều chỉnh lại tham vọng của bản thân – một thái độ mang tính cách mạng – để duy trì sự sống cho chính mình.” – Linda Lear.
5. Shinrin-Yoku – Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật
Từ hàng thiên niên kỷ trước, chúng ta đã biết việc hòa mình với thiên nhiên đem lại cảm giác dễ chịu đến nhường nào. Âm thanh của rừng, mùi thơm của cây, không khí mát lành, ánh nắng lấp ló qua tán lá ‒ tất cả đều mang lại cảm giác khoan khoái, giúp chúng ta giải tỏa lo âu căng thẳng, thư giãn và suy nghĩ thông suốt hơn.
📷Shinrin-Yoku – Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật
Chúng ta nhận thức rõ điều này từ tận sâu tâm khảm. Nó như một linh tính, hoặc một bản năng, một cảm giác đôi khi thật khó diễn tả. Trong tiếng Nhật, chúng tôi có một từ để chỉ những cảm xúc không thể biểu đạt bằng ngôn ngữ: yu-gen. Yu-gen mang đến ý niệm sâu sắc về vẻ đẹp huyền bí của vũ trụ, vốn thuộc về thế giới này nhưng lại gợi lên những điều lớn lao hơn.
Đó là cảm giác của tác giả Qing Li khi ở giữa thiên nhiên. Ông nghĩ về thời thơ ấu của mình tại một ngôi làng nhỏ. Nhớ đến rừng dương xanh mướt mỗi độ xuân hè và sắc lá vàng rực trong những ngày thu. Ông hồi tưởng lại những lần cùng bạn bè chơi trốn tìm giữa cây rừng và bắt gặp những con thú, nào thỏ nào cáo, nào sóc nào chuột hamster. Làng ông có một rừng mơ đẹp vô ngần, trổ hoa sắc hồng suốt tháng Tư. Hương vị của những trái mơ mùa thu vẫn còn in đậm trong tâm trí tác giả.
Thực ra, không chỉ đơn thuần là đi dạo. Họ thực hành một liệu pháp của Nhật có tên là tắm rừng, shinrin-yoku. Trong tiếng Nhật, shinrin có nghĩa là “rừng” còn yoku là “tắm”. Vậy shinrin-yoku có nghĩa là tắm trong môi trường rừng, hay đắm mình vào không gian rừng bằng mọi giác quan. Đây không phải là bài tập thể dục đi bộ hay chạy bộ đường dài. Chỉ đơn giản là đón nhận và kết nối với thiên nhiên bằng thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác. Ở trong nhà, chúng ta thường chỉ sử dụng hai giác quan, mắt và tai. Ngoài trời là nơi chúng ta có thể hít ngửi mùi hoa, thưởng thức không khí trong lành, ngắm nhìn cây lá thay màu, lắng nghe tiếng chim hót và cảm nhận cái se lạnh mơn trớn trên làn da. Và khi các giác quan được mở ra, chúng ta bắt đầu kết nối với thế giới tự nhiên.
6. Khi loài cá biến mất
Một thế giới không còn cá thì sẽ như thế nào?
📷Khi loài cá biến mất
Hầu hết những câu chuyện xoay quanh việc Trái Đất bị hủy diệt thường có nguyên nhân đến từ âm mưu độc ác của một kẻ phản diện nào đó, nhưng cuốn sách cực kì đáng đọc này lại kể một câu chuyện về “Trái Đất đang và sẽ bị phá hủy như thế nào bởi chính những con người lương thiện đang gặp thất bại trong việc giải quyết một vấn đề sống còn, chỉ đơn giản vì mọi tính toán của họ đều sai lầm.”
Tất nhiên điều đó vẫn chưa xảy ra, nhưng nó cũng sẽ đến sớm, chỉ trong vòng 50 năm nữa, tất cả các loài cá sẽ bị tuyệt chủng nếu con người không thay đổi hành vi. Và khi đó, sự hủy diệt của loài người sẽ diễn ra gần như lập tức, chứ không cần chờ đến khoảng 5 tỉ năm nữa khi Mặt trời nổ tung. Hãy cùng nhau thay đổi mọi thứ trước khi quá muộn. Cuốn sách vẽ ra bức tranh những gì thực sự xảy ra trong lòng đại dương một cách dễ hiểu nhất, thu hút nhất.
7. Đợt tuyệt chủng thứ sáu (Giải Pulitzer)
Kể từ hơn nửa tỉ năm trước, năm đợt tuyệt chủng đã diễn ra, khi sự đa dạng sống trên trái đất bất ngờ thu hẹp lại. Và phải chăng chúng ta đang bước vào đợt tuyệt chủng kế tiếp – đợt tuyệt chủng thứ sáu – diễn ra trong thế Nhân sinh, một thế địa chất mà con người thống trị trên nhiều khía cạnh.
📷Đợt tuyệt chủng thứ sáu
Để trả lời nghi vấn này, Elizabeth Kolbert đã theo chân các nhà khoa học khảo sát sự tồn tại và xác nhận sự biến mất một số loài ở khắp các vùng trên trái đất. Từ loài ếch vàng ở Panama đến loài voi răng mấu châu Mỹ; từ lũ chim ăng-ca khờ khạo đến loài cúc đá nhỏ bé. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa chúng ta đến các thử nghiệm và nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân của đợt tuyệt chủng thứ sáu. Trong đó, nổi bật nhất chính là những hành động do con người gây ra với các hệ sinh học và địa hóa học của trái đất như: thải quá nhiều carbon dioxide, làm axít hóa các đại dương, chặt rừng nhiệt đới…
Và câu hỏi lớn ở đây: Con người phải chăng đang vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của một đợt tuyệt chủng kế tiếp?
8. Zero Waste Home: Nhà không rác
Môi trường, kinh tế và sức khỏe của chúng ta đang bị khủng hoảng trầm trọng. Tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, tình hình kinh tế không ngừng biến động, nền sức khỏe toàn dân đang trên đà tuột dốc, mức sống con người ở mức thấp kỷ lục.
📷Zero Waste Home: Nhà không rác
Một cá nhân có thể làm gì để đối mặt với những vấn đề khốc liệt ấy? Những thực tế choáng ngợp đó chỉ nghe thôi đã khiến người ta tê dại, nhưng xin hãy nhớ rằng mỗi hành động của một cá nhân đều can hệ đến môi trường và sự đổi thay không đâu khác chính từ đôi bàn tay ta. Tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt nhưng chúng ta chỉ chăm chăm mua các sản phẩm từ dầu mỏ. Nền kinh tế yếu kém, chúng ta chỉ sính đồ ngoại. Sức khỏe toàn dân xuống dốc, con người chỉ nạp vào cơ thể những thực phẩm chế biến sẵn và mang về nhà những sản phẩm độc hại. Việc tiêu thụ bất kì thứ gì sẽ đều trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế và sức khỏe vì trên thực tế bạn đang ủng hộ một hình thức sản xuất nào đó và gửi đi thông điệp về nhu cầu để kích thích nguồn cung.
Nói cách khác, mua sắm là một dạng biểu quyết và những quyết định chúng ta thực hiện mỗi ngày đều có tác động nhất định. Ta có thể lựa chọn, hoặc làm tổn thương hoặc chữa lành xã hội. Zero Waste Home: Nhà Không Rác sẽ tiếp động lực giúp bạn giải tán bớt đồ đạc và tái chế ít hơn, không chỉ góp phần xây dựng một môi trường xanh sạch đẹp hơn mà còn giúp bạn hoàn thiện bản thân. Cuốn sách đưa ra những giải pháp thực tiễn cũng như đã được kiểm chứng để sống lành mạnh và phong phú hơn bằng các tài nguyên không sinh rác thải vốn sẵn có. Quy trình thực hiện chỉ đơn giản theo thứ tự: Refuse (từ chối những gì chúng ta không cần), Reduce (tiết giảm những gì chúng ta cần), Reuse (tái sử dụng những gì chúng ta tiêu thụ), Recycle (tái chế những gì chúng ta không thể từ chối, không thể tiết giảm, hoặc không thể tái sử dụng) và Rot (ủ phân những gì còn lại).
9. Sống xanh như những lá trà
Được gói ghém như một hộp cơm bento với các bài tiểu luận, và giống một bữa trưa ngon lành, cuốn sách cung cấp những chỉ dẫn đơn giản, gói gọn trong triết lý mà Toshimi Kayaki gọi là ‘Green tea living’ – Sống xanh như những lá trà. Tác giả rất ưu ái sử dụng trà xanh trong cuộc sống hàng ngày vì những công dụng cũng như ích lợi tuyệt vời của nó. Thật may, trong khi đưa ra lời khuyên về việc sử dụng trà xanh, Kayaki không quên chia sẻ những bí quyết và kinh nghiệm sống xanh của người Nhật để cải thiện cách chúng ta nhìn và cảm nhận mà vẫn tôn trọng thiên nhiên và môi trường, chẳng hạn như mang theo đũa riêng khi ăn ngoài, dùng nước gạo làm nước lau sàn, đi bộ hay đạp xe thay vì lái xe, cách giữ dáng và chăm sóc da đẹp tự nhiên, và nhất là luôn dành cho bản thân thời gian để thư giãn và lắng nghe thiên nhiên.
Trong cuốn sách này, chính Toshimi Kayaki cho rằng bất kỳ ai cũng có thể áp dụng Lối sống xanh (Green living) như gia đình mình để trở nên khỏe mạnh, hạnh phúc và sống thân thiện với môi trường. Lối sống Xanh có thể mang tất cả mọi người đến với cuộc hành trình mới mẻ để trở nên tốt hơn và hướng đến cuộc sống bền vững hơn.
Tìm một giải pháp để bắt đầu “Lối sống Xanh” thật sự không khó, nó chỉ khó khi ta không thật sự quan tâm. Với Sống xanh như những lá trà này, biết đâu những suy nghĩ của ta về việc bắt đầu một cuộc sống xanh sẽ thay đổi, không chỉ là hình thức để ta khoe với bạn bè mà điều ấy sẽ được chúng ta lưu tâm trong từng phút giây, từng hành động… Vậy nên, hãy đọc sách, đề ra mục tiêu và bắt tay thực hiện một cuộc sống xanh vì chính bản thân, gia đình và môi trường sống.
Ban biên tập Booklish- Phương Nam Books