TTO - Từ các ý kiến trao đổi về việc cho tiền hay không cho tiền, dạy con cách chi tiệu hợp lý, Tuổi Trẻ Online nhận được bài viết của bạn Thanh Thúy chia sẻ về kinh nghiệm dạy con xài tiền.
Bé tự làm cờ trái cây - Ảnh: THANH THÚY
Mỗi lần nhà có nhân viên thu tiền rác, tiền điện, tiền nước…, tôi đều nói cho con nghe về các khoản phí hằng tháng.
Đó là điều vợ chồng tôi làm để giúp con ý thức những khoản chi tiêu hằng tháng của gia đình. Ban đầu, khi còn nhỏ, các con chỉ thấy nó là những con số. Nhưng dần dà, các con hiểu nếu sinh hoạt hợp lý con số sẽ giảm xuống.
Lớn lên, các con nhìn vào tiền hằng tháng để điều chỉnh. Ví dụ, chỉ mở máy nước nóng khi cần, hoặc hai chị em cùng rủ nhau chị vừa tắm xong là đến lượt em để máy khỏi khởi động lại. Cả nhà ý thức trong việc tắt đèn, tắt nước để vừa tiết kiệm lại bảo vệ môi trường.
Vợ chồng tôi cũng thường trao đổi với con mỗi khi mua sắm đồ mới.
Chẳng hạn, khi con vào lớp 1, con sẽ được chọn mua chiếc cặp mình thích: màu hồng, có ba ngăn… Con biết tự giặt cặp hằng tháng, giữ gìn cẩn thận và thường 2-3 năm mới mua mới một lần.
Quần áo sẽ được mua sắm vào mỗi dịp tết, đầu năm học mới.
Khi em Tino lớn một chút, hai chị em lại cùng nhau tính toán, chỉ mua những món đồ chơi bền mà hai chị em có thể chơi cùng nhau, trừ một vài món đặc thù của con trai.
Đặc biệt, cả hai con đều xài chì màu cho đến khi cùn hẳn (còn những mẩu vụn). Hai chị em chọn quà tặng nhau thường là những thứ đơn giản: hộp đựng viết, cuốn sổ, hay cuốn sách mà mình thích.
Các con biết phân loại rác để bán phế liệu, khoản tiền nhỏ nhoi này các con dùng để tặng các bạn nhỏ kém may mắn.
Trong nhà, các con tự làm những thùng đựng rác tái chế từ tờ lịch cũ rất xinh xắn. Các con xem việc tự làm những món đồ này là niềm vui. Nhất là mỗi khi có dịp gói quà để tặng các bạn bằng những tờ giấy được cất giữ nhiều tháng.
Thùng rác do các con tự làm - Ảnh: THANH THÚY
Tôi cũng thường nhận những việc thủ công và cho các con làm giúp: dán nhãn trên sách, đóng đĩa nhạc vào bìa, phụ bạn hàng trong những dịp hội chợ nho nhỏ… Các con làm với tâm thế rất vui và chúng tôi thường “trả công” cho cháu vài chục ngàn đồng.
“Nhà mình không giàu cũng không nghèo” là câu nói mà các con được biết lúc lên 4 tuổi (các bạn cùng lớp hay hỏi câu này) để con không quá lo lắng khi có việc cần dùng đến tiền.
Và bao giờ cũng vậy, thường buổi tối khi có việc cần dùng đến tiền, con đều nói với ba mẹ và chúng tôi cho cháu ngay lúc này, các con nhận tiền và cảm ơn luôn.
Hai cháu cũng biết cách quan sát và chia sẻ với mẹ về việc sử dụng tiền tiêu vặt. Bé trai 7 tuổi đã biết nhận xét ba mẹ bạn A còn phải trả tiền thuê nhà mà hôm nào cũng đem theo tiền ăn vặt đến mấy chục ngàn.
Hay bé gái 13 tuổi của nhà tôi chia sẻ thêm: các bạn trong lớp con ngày nào ba mẹ không cho tiền ăn vặt thì bức bối lắm vì thường ngày các bạn mua quà trước cổng trường vào buổi sáng (ăn sáng), tranh thủ lúc chuyển tiết cũng ào xuống căngtin, rồi giờ ra chơi, giờ nghỉ trưa, xế cũng mua quà. Chưa kể, mỗi sáng ba mẹ các bạn thường móc tiền ra cho ngay trước cổng và các bạn vội vàng lấy mà không cảm ơn…
Gia đình chúng tôi thống nhất cần cố gắng tạo nền móng ngay từ đầu:
- Ba mẹ có thể dậy sớm hơn chừng 30 phút để chuẩn bị bữa sáng cùng nhau (ít nhất là 3 bữa/tuần). Thỉnh thoảng cả nhà cùng nhau làm vài món ăn, thức uống…
- Dạy cho con biết cách giữ gìn đồ dùng và chọn mua thứ mình cần.
- Tạo điều kiện cho các con làm những việc phù hợp để nhận được những khoản thù lao nhất định. Tặng lại những món đồ dùng cho người khác cần dùng hơn.
- Cho con tự chọn cách để sử dụng tiền tiêu vặt.
- Hướng con tới việc chi tiêu hợp lý, khuyến khích các con mua sách báo, tạp chí hằng tuần: Rùa Vàng, Nhi Đồng, Khăn Quàng Đỏ, Mực Tím…
- Sách báo cũ cũng có thể dành cho các bạn khác ở vùng quê.
Nguyễn Thị Thanh Thúy (Hội Quán Các Bà Mẹ)
https://tuoitre.vn/giup-con-biet-su-dung-tot-vat-dung-loi-don-loi-kep-701127.htm