TTCT - Tôi quê ở Bến Tre. Hiện tại tôi đang làm nghề giữ trẻ. Đọc bài “Làm mẹ đơn thân” trên TTCT, tôi rất thông cảm cho người mẹ trong bài báo đó vì tôi và chị có suy nghĩ và quan niệm gần giống nhau.
Ảnh: simplemom.net
Đã muộn...
Sao không nhìn khoan dung hơn?
... Đương nhiên sẽ rất tuyệt vời nếu những đứa trẻ có một gia đình đầy đủ ba mẹ! Đó là mơ ước của tất cả trẻ em trên thế giới này, nhưng cũng xin đừng lên án những người mẹ đơn thân bởi hơn ai hết, họ phải chịu áp lực rất lớn... Người phụ nữ dù mạnh mẽ đến đâu cũng luôn muốn có một bờ vai để tựa vào, quyết định làm mẹ đơn thân thật sự là một quyết định vô cùng khó khăn với họ...
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Ba mẹ thôi nhau lúc tôi còn nhỏ. Một mình mẹ tôi vất vả nuôi ba con. Lúc đó mẹ tôi chỉ mới 25 tuổi. Tôi lớn lên trong sự nghèo khó, nhìn thấy mẹ cực khổ nuôi ba anh chị em nên tôi thương mẹ nhiều lắm.
Vì vậy khi lớn lên có người hỏi cưới thì tôi không ưng. Tôi không muốn lấy chồng sớm bỏ mẹ cực khổ vất vả chứ không phải tôi kén chọn. Trong một lần làm việc nặng mẹ tôi bị tai nạn lao động. Từ đó mẹ mất dần sức lao động, mấy anh em tôi phải nghỉ học khi chưa hết cấp I. Dưới sự chỉ bảo của mẹ, ba anh em tôi tuy vất vả một chút nhưng vẫn ấm no, không bị thiếu ăn như những gia đình cùng hoàn cảnh khác. Khi chúng tôi lớn lên một chút, cuộc sống ở quê có nhiều khó khăn, mẹ đồng ý cho mấy anh em tôi đi làm xa nhà. Tôi đi giúp việc cho người ta khi mới 14 tuổi, may mắn là gia đình chủ rất tốt, họ dạy bảo tôi đủ điều. Từ nhỏ tôi đã ham đọc sách nên tôi càng hiểu thế nào là sự hiếu thảo, yêu thương gia đình. Tôi thương mẹ nhiều hơn và lo dành dụm tiền gửi về cho mẹ thuốc thang.
Anh chị tôi không thích sự gò bó, họ chọn công việc tự do và rồi không cưỡng được sự cám dỗ của vật chất. Khi chị tôi đi lấy chồng khác, bỏ lại đứa con nhỏ cho mẹ tôi, tôi càng cố sức làm việc để lo cho mẹ và cháu.
Khi kinh tế gia đình tạm ổn tôi mới nhìn lại bản thân mình. Tôi nghĩ bây giờ mình có lấy chồng thì mẹ và cháu vẫn có thể sống với số tiền tiện tặn tích góp được, tuy nghèo nhưng cũng không đến nỗi nào. Nhưng mọi người biết không, đã quá muộn. Mọi cơ hội đã trôi qua hết và bây giờ khó có cơ hội nữa vì tôi đã 36 tuổi rồi.
Chúng tôi có quyền mưu cầu hạnh phúc
Bản năng yêu thích em bé từ nhỏ, tới tuổi này tôi khát khao được làm mẹ. Tôi nghĩ hay là mình sinh con mà không cần lấy chồng. Mẹ một mình nuôi ba đứa con khi không có ba đó thôi. Kiếm chồng thì khó, kiếm con thì dễ. Tôi biết sẽ đối mặt với bao nhiêu khó khăn, nhất là miệng đời gièm pha, nhưng tôi nghĩ thời gian rồi sẽ qua, ai đâu mà rảnh cười tôi cả đời. Thế là tôi lên kế hoạch muốn sinh con thì phải biết cách nuôi con cho tốt và phải có một số tiền. Nghĩ thế nên tôi lãnh giữ em bé sơ sinh để theo dõi sự phát triển của trẻ như thế nào, học hỏi kinh nghiệm nuôi con.
Tôi không ngờ công việc chăm sóc em bé lại đem đến cho tôi nhiều niềm vui đến vậy. Tôi chăm sóc bé với tấm lòng của một người mẹ. Tôi thật vui khi bé mọc răng sữa đầu tiên. Khi bé bi bô biết nói rồi tới lúc chập chững biết đi, tôi hồi hộp chờ đợi từng sự phát triển của bé và ít nhiều hiểu được vai trò của một người mẹ như thế nào. Nếu bây giờ sinh con, tôi có đầy đủ kinh nghiệm để chăm sóc con và bản thân mình. Tuy nhiên tôi cũng cần phải kiếm tiền thêm một hai năm nữa mới quyết định vì muốn con được sinh ra trong sự đầy đủ.
Tôi xin mọi người hãy thông cảm cho những người có hoàn cảnh như tôi - ít có cơ hội tiếp xúc bên ngoài, dễ rơi vào hoàn cảnh lớn tuổi mà vẫn chưa có chồng. Mọi người hãy nghĩ xem khi chúng tôi về già không chồng không con, phải sống như thế nào đây. Lúc trái gió trở trời bệnh hoạn ốm đau, không ai chăm sóc chúng tôi sẽ như thế nào. Một sự cô đơn hiu quạnh, đắng cay và chua xót.
Chúng tôi không có cơ hội tìm được một người yêu đích thực để làm chồng thì hãy cho chúng tôi có cơ hội làm mẹ. Bởi vì trời sinh ra người phụ nữ có bản năng và thiên chức làm mẹ.
Chúng tôi cần sự cảm thông sâu sắc của tất cả mọi người, để những đứa con chúng tôi sinh ra không buồn tủi vì bị kỳ thị là con hoang.
Tôi có yêu cầu mọi người cảm thông cho chúng tôi và những đứa con do chúng tôi sinh ra là bởi vì trong cuộc sống ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc.
__________
Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, Hội quán các bà mẹ ở TP.HCM đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Bà mẹ đơn thân” với mục đích tổ chức một câu lạc bộ dành cho những bà mẹ đơn thân. Đây là nơi chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau giải quyết những khúc mắc, áp lực trong cuộc sống.
Ảnh: wordpress.com
Thành phần tham gia có những người vợ mất chồng, một mình nuôi con, phụ nữ đã ly thân, ly hôn, có cả những phụ nữ chọn cho mình con đường độc thân và những cô gái đang có ý định táo bạo sẽ có con mà không cần lấy chồng. Mỗi người một hoàn cảnh, một mảnh đời. Họ gặp nhau ở những nỗi lo toan cho đứa con trưởng thành, những day dứt của câu hỏi “Cha con đâu?”, những băn khoăn về tương lai phía trước.
Tôi yêu mẹ
Tôi là một đứa con lớn lên mà không có cha bên cạnh. Tôi không biết cha là ai, như thế nào. Tôi từng dằn vặt, từng hờn dỗi, từng khổ đau vì bao lời dị nghị. Nhưng tôi thương mẹ nhiều hơn, bởi nỗi đau trong mẹ nào có kém tôi. Mẹ cũng dằn vặt khi không thể mang đến cho tôi một người cha. Tôi yêu mẹ. Xin mọi người hãy khoan dung hơn để chúng tôi có được những nụ cười nhỏ.
Có những phụ nữ đã ở tuổi 40 nhờ các chuyên gia tư vấn về chuyện muốn làm mẹ đơn thân theo kiểu có con nhưng không muốn có chồng. Các chuyên gia đã giải đáp, phân tích để chị em cân nhắc, lựa chọn đúng đắn nhất cho mình và cho con. Điều đặc biệt, nhiều ông bố đơn thân đang một mình nuôi con cũng đến tham dự.
Dù lịch tư vấn chỉ kéo dài đến trưa nhưng vì có quá nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề làm mẹ đơn thân, nên phải đến 14g30 mọi người mới chịu nói lời tạm biệt.
Tổng kết buổi sinh hoạt chuyên đề, chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, cố vấn Hội quán các bà mẹ, tâm tư: “Chị em đang làm mẹ đơn thân vấp phải rất nhiều khó khăn. Không phải đứa trẻ nào cũng hiểu rằng phải bù đắp tình cảm cho mẹ mà chỉ đơn thuần trách móc “vì sao con không có bố”. Việc xây dựng hình ảnh người cha cho đứa trẻ cũng khiến người mẹ trăn trở. Nói với con vào thời điểm nào, liệu con có thông cảm cho mình? Từ sâu trong lòng những người phụ nữ này, làm mẹ đơn thân chỉ là bất đắc dĩ khi không còn lựa chọn nào khác. Không ai không muốn có một gia đình bình thường như bao gia đình khác.
Hiện nay xu hướng muốn có con nhưng không chính thức lấy chồng đang ngày một phổ biến. Người phụ nữ ngày càng độc lập, tự chủ, quyết đoán hơn. Ngoài một số phụ nữ có cá tính mạnh mẽ, không muốn vướng bận, đủ can đảm, điều kiện nuôi con một mình, cũng có những người không tìm được một nửa phù hợp hoặc đã bỏ qua cơ hội lập gia đình.
Nhiều phụ nữ nổi tiếng hiện nay đã chọn cuộc sống làm mẹ đơn thân. Nhưng đằng sau những tỉnh táo, mạnh mẽ khi phát ngôn với dư luận, họ phải đối mặt với rất nhiều thử thách. Bởi dù điều kiện sống có tốt đến đâu, chuẩn bị nuôi con một mình kỹ càng thế nào thì đứa trẻ vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy hãy lựa chọn có nên hay không bởi đứa trẻ lớn lên như thế nào phụ thuộc vào tình yêu thương trọn vẹn của cả cha và mẹ”.
Bạn đọc quan tâm có thể tham dự các chuyên đề sinh hoạt hằng tuần của Hội quán các bà mẹ, lịch tư vấn có tại địa chỉ http://www.hoiquancacbame.com.vn
Thiệt thòi nhất chính là đứa con
Nếu như nhiều phụ nữ sinh con vì một phút lầm lỡ, là nạn nhân của những tên họ “Sở” thì không sao, nhưng có người hoàn toàn chủ động làm mẹ đơn thân chỉ để chứng tỏ “mình có thể làm được” mà chị bất chấp tất cả, kể cả sự hi sinh của người khác, thậm chí cả chính bản thân. Người bị thiệt thòi nhất chính là con chị. Sau này con chị sẽ mãi là một người chỉ được giáo dục từ một phía. Tính nết của một con người phụ thuộc rất nhiều vào sự giáo dục của cả cha lẫn mẹ. Nếu mẹ luôn cho con những lời ngọt ngào, những vòng tay âu yếm thì cha sẽ đem lại cho con niềm tin, sự mạnh mẽ để đối đầu với những gian lao thử thách của cuộc đời. Liệu chị có đảm bảo những gì cần thiết cho con sau này tự tin để bước vào đời không? Bên cạnh đó, cha của đứa bé cũng sẽ luôn đau đáu về đứa con mà anh ta chưa từng biết mặt. Còn nỗi đau nào hơn khi có con mà không được nhìn thấy con?
Dã Quỳ
https://tuoitre.vn/ai-dau-ma-ranh-cuoi-toi-ca-doi-413197.htm