PNO - Nhỏ em ở cao nguyên Di Linh gọi điện thoại nói trên này chuẩn bị mưa dầm rồi, em đi cắt hẹ gửi cho chị đây. Nghe em nói, tôi nhớ câu ca dao: “Trời mưa lâm râm ướt dầm lá hẹ”.
Ở xứ Dran (Lâm Đồng) của tôi, nhiều món bánh dùng hẹ sẻ lắm. Đa số bà con gốc Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam lên đây lập nghiệp, sinh sống nên họ đã mang theo cả cây hẹ và món bánh của quê vô.
Từ nhỏ tới lớn, tôi cũng không mấy quan tâm tới công dụng của hẹ. Chỉ nhớ bánh hỏi của nhà bác Chấn, bác Năm Trà đều có thoa hẹ và rắc “tôm cháy” hay đậu phụng sẻ rang giã nhuyễn rồi chan nước mắm hay xì dầu. Bánh căn cũng vậy, kiểu gì cũng có dầu hẹ/hoặc hành. Bánh bèo, bánh đúc nước tro, bánh ướt cũng thoa hẹ. Riêng món bánh xèo vỏ, người ta xắt hẹ cho vô bột trước khi đổ. Những món bánh dân dã, ăn lót lòng, ăn no, ăn bữa sáng, bữa xế đều thấy mê, không ngán.
Ảnh: Đan Hà Sau này, có dịp đi đó đây, tôi lại được ăn món bánh canh chả cá với hẹ sẻ ở Gia Lai, Phú Yên, món bánh bột lọc La Gi (Bình Thuận) cũng có hẹ sẻ.
Mấy bà mẹ xưa nuôi con cũng thiệt hay, em bé được ba tháng mười ngày là giã mấy cọng hẹ rơ hàm, rơ lợi để khi mọc răng đỡ đau và nóng sốt. Mẹo hay này có cơ sở hẳn hoi bởi theo đông y, cây hẹ có công dụng chữa đau răng. Nhà có trẻ nhỏ ho, bà má kiếm nhúm hẹ tươi, rửa sạch, xắt nhỏ, thêm đường phèn, chưng cách thủy cho uống vài ba ngày là đỡ. Lá hẹ còn được dùng để sắc lấy nước uống nóng để trị suyễn.
Hồi tôi ở nhà, lâu lâu mấy dì tập trung về nhà ngoại là có món bánh tráng nhúng nước cuốn diếp cá, hẹ rồi chấm mắm, chớ chẳng có thịt cá gì. Vậy mà ai nấy cũng khỏe, nhờ vị thuốc của loại cây gia vị này. Từ lâu, dân gian đã dùng hẹ để chữa ho, cảm mạo, táo bón, đau răng… Món ăn từ rau gia vị có lợi cho sức khỏe là vậy.
Về Sài Gòn, tôi biết thêm mấy món của người Hoa, họ ứng dụng trong món ăn rất linh hoạt. Bò bía có hẹ tươi, há cảo có hẹ, hủ tíu mì có hẹ và món huyết xào giá hẹ là món không thể thiếu trong thực đơn hằng tháng của gia đình người Hoa. Đông y lý giải: hẹ tươi có tính nhiệt nhưng khi nấu chín ấm, vị cay, đi vào các kinh can, tỳ và vị có tác dụng ôn trung, hành khí, tán độc.
Bởi vậy, trong những bữa ăn, thi thoảng tôi vẫn thường nấu món canh hẹ (không có hẹ thì thay bông hẹ), cà chua và đậu khuôn. Hẹ chiên trứng… Lâu lâu, có được mớ hẹ sẻ, tôi cuốn bánh tráng, ăn ngon lành y như kiểu ăn ngày xưa của má và mấy dì vậy. Hai con cũng quen với món ăn có hẹ bởi hai bé con đã được “ăn cùng” từ hồi còn trong bụng mẹ.
Nhà nội, ngoại, ba má mấy đời ăn hẹ, tới lượt mình và con cũng vậy. Quê ngoại trong ký ức của con bây giờ có đủ các món bánh có hẹ. Nhớ câu nói: “Ở đâu có nỗi nhớ, ở đó có quê hương”. Chỉ vậy thôi, nhớ và thương.
Thương người nấu, thương bụi hẹ ở quanh nhà và cả những vườn, người trồng. Có bữa, lên phố núi Pleiku, hay về chợ quê xóm gò Bình Định, hễ thấy chợ có mấy dì, mấy chị ngồi bán mấy bó hẹ cột trong lá chuối là kiểu gì tôi cũng mua, rồi đùm túm xách sản vật của quê về. Sài Gòn “năm COVID-19 thứ hai”, đem được nhúm hẹ sẻ về phố, tự nhiên thấy mừng rơn. https://www.phunuonline.com.vn/he-se-ve-pho-a1438117.html
Nguyễn Thị Thanh Thúy
Hội Quán Các Bà Mẹ