top of page
Tìm kiếm

Hội trưởng Hội quán các bà mẹ Nguyễn Thị Thanh Thúy: Dạy con bằng “giáo trình cuộc sống”

PNO - “Tôi chưa bao giờ thấy mẹ thờ ơ với ai”, cô gái Nguyễn Uyên Thư (19 tuổi) nói như vậy về mẹ - chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ, số 7 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM). Với Thư, mẹ là giáo trình học làm người quý báu và sinh động nhất. Mẹ kéo gần lịch sử

Dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay, chị Thanh Thúy tất bật cho chương trình ra mắt sách Nguyễn Thị Định - vị nữ tướng đầu tiên của thời đại Hồ Chí Minh (Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam). Đây là tác phẩm chị chủ biên cùng cộng sự Vũ Đức Thông phụ trách khâu sưu tầm và phục chế hình ảnh.

Các trang sách mở ra, gợi lại kỷ niệm 5 năm trước ba mẹ con chị Thúy đặt chân đến vịnh Vũng Rô (Phú Yên), tìm tài liệu quanh chuyến đi lịch sử của con tàu không số vận chuyển vũ khí chi viện cho miền Nam năm 1946.


Những bức ảnh ba mẹ con chụp và nâng niu, lưu giữ trong máy tính, không ngờ có ngày nên duyên để chị nhận biên soạn cuốn sách về cô Ba Định (tên thân thiết của bà Nguyễn Thị Định). Uyên Thư và các em được góp sức với mẹ trong việc tìm tư liệu, hình ảnh. Cả nhà cùng đọc, góp ý chỉnh sửa bản thảo… Vịnh Vũng Rô những năm tháng hào hùng ấy, cô Ba Định cùng đồng đội lưu lại cả tháng, đợi mùa gió chướng để có lợi về sức gió, con nước, vận chuyển vũ khí về Bến Tre, ghi dấu ấn đường Hồ Chí Minh trên biển.

Qua lời kể của mẹ, Uyên Thư và em trai Minh Đăng vừa hào hứng với những chiến công, vừa sụt sùi với những trang đời của nhân vật chính: Người chồng - người đồng chí của cô Ba Định sớm hy sinh, rồi con trai duy nhất cũng ra đi ở tuổi 20. Can trường, nhạy bén, tài tình nhưng vị nữ tướng luôn mộc mạc, bình dị trong chiếc áo bà ba, áo dài truyền thống cùng chiếc khăn rằn quấn cổ. Cô thường mang theo túi đựng kim chỉ để vá áo cho chiến sĩ hay dầu thoa cho chiến sĩ khi trái gió trở trời.

Những hình ảnh sinh động, gần gũi, khiến vị nữ tướng trở nên thân thương như người bà trong nhà. Cứ vậy là bọn trẻ yêu mến và biết ơn. Chị Thúy cho rằng, không thiếu những bài học lịch sử hấp dẫn, nhưng vì sao nhiều người trẻ lại thờ ơ với lớp người đi trước? Vậy thì, thử nhìn lại cách người lớn kể về truyền thống, tái hiện những chiến công. Nếu thông qua những câu chuyện, hình ảnh của các nhân vật bằng xương bằng thịt… thì có hiệu quả hơn không?

Gia đình chị Thúy mỗi khi có dịp đi du lịch thì không chỉ ngắm cảnh đơn thuần. Đến vùng đất nào, chị cũng thu xếp cho các con đến thăm di tích lịch sử. Các con đã rơi nước mắt khi nhìn thấy nhà tù Phú Quốc với những cuộn kẽm gai tua tủa hay mở nón, cúi chào hiếu kính khi bước vào những đền thờ. Thì ra các con đã học ở mẹ cách tìm hiểu, nghiên cứu trước về mảnh đất mình ghé thăm và luôn trân trọng những cảm xúc tốt đẹp.

Khi chở con đi trên đường, chị Thúy thường đố tên danh nhân. Cả nhà chụp hình lưu niệm ở Đà Lạt, chị tranh thủ nhắc đến công lao của bác sĩ Yersin, người đã tìm ra Đà Lạt. Các con cũng luôn có cớ để tìm hiểu các vị danh nhân như trong “sách nhà làm” (cuốn Tuổi thơ tấm gương Việt do Hội quán Các bà mẹ biên soạn).

Chị Thúy hướng các con cách đọc sách, tìm hiểu trên mạng để biết về các nhân vật lịch sử được đặt tên trường, tên bệnh viện nơi mình chào đời, từng đến.

Uyên Thư kể, có câu chuyện cô từng nghe trên báo, về một người mẹ ôm con cùng 200 dân làng trốn giặc trong hang Hòn Kẽm (Quảng Nam). Khi giặc tới cửa hang, người mẹ phải hy sinh đứa con ba tháng tuổi đang khóc ngằn ngặt để không làm lộ nơi trú ẩn, cứu từng ấy con người.

Con chết dưới tay mình là nỗi đau đớn, ám ảnh khủng khiếp. Mấy mươi năm qua sống trong thời bình, người mẹ ấy không thể yên ổn. Khi loạn trí, chị lại ôm chiếc khăn ầu ơ ru ngủ hay hớt hải chạy tìm con trong vô vọng, bởi nơi chị an táng vội thi hài nhỏ bé ấy vào năm 1969 đã bị đạn bom xóa dấu vết.

Không cam tâm trước nỗi đau ấy, chị Thúy đã cùng hai người mẹ khác lên đường tìm bà mẹ Hòn Kẽm. Họ chung tay xây một ngôi mộ gió, để bà mẹ cứu dân làng năm xưa tin rằng con mình đã yên nghỉ và thôi tìm kiếm. Uyên Thư nói: “Mẹ tôi làm những việc như thế không đắn đo, làm sao tôi không ngưỡng mộ!”.

Áo dài mẹ - áo dài con

Hơn mười năm thành lập Hội quán Các bà mẹ là hơn mười năm chị Thanh Thúy xa rời công việc ở một doanh nghiệp với mức lương cao. Góp sức xây dựng hội quán, lắm khi chị phải lấy tiền túi bù vào các chương trình dạy con, tặng sách, hỗ trợ hạt giống cho nông dân.

Thấy chị miệt mài với các chương trình cứu trợ đồng bào bão lũ, hạn hán, trao học bổng cho trẻ em, hỗ trợ trẻ bị xâm hại, tặng bảo hiểm y tế cho người nghèo… nhiều người dè dặt hỏi “chị có tiếc?”.

Với chị Thanh Thúy, để được làm điều mình thích, có thể thiệt một chút về tiền bạc, nhưng tiết kiệm chi tiêu rồi cũng ổn. Chị nói: “Cái được là có, cái mất là có. Nhưng ngay khi mất thì vẫn là được. Những căng thẳng, những khó khăn giúp mình nỗ lực rồi từ đó nhận ra bản thân đã mạnh mẽ hơn rất nhiều. Sự trao nhận kiến thức, mở rộng mối quan hệ đưa lại quá nhiều hữu ích mà không thể dùng tiền đo được”.

Mọi thành viên gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Thúy đều mê áo dài

Thông qua hoạt động xã hội, chị Thúy hiểu rõ giá trị của bài học chung tay, giá trị của sự kết nối. Nếu bỏ tiền để học, chưa chắc học được như vậy. Ngay với việc dạy con, nói bằng lời chưa chắc hiệu quả hơn là dắt con đi, cho con trải nghiệm và cảm nhận. “Đi thì nếp nhà rộng ra” - chị Thúy mỉm cười chia sẻ.

Thuở ban sơ của hội quán, mỗi chiều đón con trai ở trường mầm non, chị Thúy thường chở con đi phát thư mời dự chuyên đề thai giáo cho các bà bầu. Chờ ở chợ, nhà thờ… mãi mới phát được một thư, cậu bé Minh Đăng đã ước tất cả phụ nữ đều… “có bầu” để mẹ phát thư cho nhanh, mau về nhà nghỉ ngơi cho khỏe. Chị Thúy nói, nếu còn đi làm giờ hành chánh, làm sao chị có thể nghe được những lời ngây ngô tràn đầy tình thương của con như thế.

Bốn năm trước, trong một lần đi thăm làng muối ở Bà Rịa - Vũng Tàu, đoàn của chị Thúy được tặng khá nhiều muối. Khi biết giá muối thời điểm đó chỉ có 500 đồng/kg, ba mẹ con chị Thúy lặng nhìn nhau. Hạt muối bèo bọt hay những nông sản chất đống chờ giải cứu… là những nỗi ray rứt dọc đường đất nước khiến cô bé Uyên Thư quyết tâm đăng ký học ngành công nghệ sinh học để nghiên cứu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Các con chị Thúy tự hào vì ở lứa tuổi mình, không phải bạn nào cũng được đi đó đi đây, tiếp xúc nhiều như mình, được gặp những người giỏi thuộc nhiều lĩnh vực mà mẹ Thúy từng hoạt động, kết nối.

Nếu mô tả về chị Thanh Thúy trong mười chữ thì thể nào cũng có hai chữ “áo dài”. Tên chị gắn liền với áo dài không chỉ vì chị luôn mặc áo dài mà còn là tấm lòng với di sản áo dài, và cách lan tỏa tình yêu áo dài trong cộng đồng. Chị như có “uy lực ngầm”, bởi khi ai hẹn gặp chị cũng có cảm hứng mặc áo dài. Chiếc áo dài của chị bền bỉ, len lỏi ngược xuôi dù ở trường học, đường sách, đi dã ngoại hay nơi chợ quê giữa phố.

Ý tưởng “áo dài chuyền tay” của chị đã mang niềm hạnh phúc đến nhiều phụ nữ có cơ hội hồi sinh những chiếc áo dài xếp trong tủ. Cùng với những sản vật đồng quê, những món ăn dân dã, hội quán cũng là đầu ra của những làng lụa, làng thổ cẩm để tạo nên những chiếc áo dài nền nã, đậm bản sắc dân tộc hòa nhịp với đời sống hiện đại.

Mẹ không bắt buộc, nhưng cô con gái Uyên Thư cũng mê áo dài. Mạch chảy tự nhiên ấy phải chăng là lúc con chứng kiến mẹ vừa thướt tha vừa năng động trong tà áo dài, trên đôi guốc mộc. Khi con giúp mẹ giao áo dài cho khách, hay khi con sẵn sàng lấy chiếc áo dài ưng ý của mình chia sẻ cho trẻ em khuyết tật trong chương trình của mẹ để các em có buổi biểu diễn tuyệt vời nhất.

Tôi hỏi: “Áo dài có khiến em lạc lõng trong nhóm bạn trẻ?”, Uyên Thư trả lời ngay: “Dạ không. Thực ra các bạn ngại mặc vì sợ nóng. Tôi chọn những chất liệu cotton, lụa mềm mát để rủ rê các bạn cùng mặc. Áo dài đẹp, không bao giờ lỗi mốt, không bao giờ xưa!”.

https://www.phunuonline.com.vn/hoi-truong-hoi-quan-cac-ba-me-nguyen-thi-thanh-thuy-day-con-bang-giao-trinh-cuoc-song-a1429086.html

Tô Diệu Hiền


Comments


logo-HQCBM.png
bottom of page