TTTG.VN – Hưởng ứng Ngày hội STEM tại TPHCM: “Chuyến du hành vũ trụ” – Báo Thế Giới Tiếp Thị tổ chức Giao lưu trực tuyến với Đại diện ban tổ chức và các diễn giả là những chuyên gia trong lĩnh vực STEM.
Buổi giao lưu trực tuyến đã diễn ra vào chiều 30/12 tại tòa soạn báo Thế Giới Tiếp Thị, 163 Pasteur, phường 6, quận 3, TPHCM.
Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký hội Tin học TPHCM, thành viên của ban tổ chức STEM cho biết, ngày hội STEM đã được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5, sau đó sẽ tổ chức tại TPHCM và Đà Nẵng.
“STEM là phương pháp giáo dục mới. Chúng tôi muốn mở rộng mô hình STEM tại Việt Nam, trước mắt là các đô thị lớn: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, sau đó là các tỉnh thành, hướng tới mục tiêu là học đi đôi với hành”, ông Tuấn chia sẻ.
Cũng theo ông Tuấn, STEM hướng đến 4 đối tượng: học trò, phụ huynh, thầy cô giáo và các doanh nghiệp có sản phẩm liên quan đến giáo dục với khách hàng là học sinh. Ngày hội STEM dự kiến có 4 buổi đào tạo với dự kiến gần 3.000 học sinh tham gia.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ các doanh nghiệp nói: “Chúng tôi hy vọng chương trình này có thể liên tục tổ chức cho các em. Làm sao để các em vừa được chơi, vừa được học, nhất là tại TPHCM, nơi rất thiếu không gian cho các em được chơi, được học, lành mạnh và tiếp nhận được các kiến thức khoa học mới nhất”.
Bà Trần Thu Hà, Cố vấn Hội quán các Bà mẹ
Bà Trần Thu Hà – nguyên Phó Giám đốc Công ty sách Long Minh, phát hành sách về khoa học và là một trong số thành phần tham gia vào hoạt động STEM chia sẻ: “Tôi nói rõ hơn một chút về STEM, là sự kết hợp của 4 lĩnh vực hỗ trợ nhau Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán, mà mãi đến cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 người ta mới quan tâm giáo dục tích hợp 4 yếu tố của STEM”.
“Tôi thấy xúc động khi thấy chúng ta bắt đầu quan tâm đến khoa học trong lĩnh vực học đường. Các em ngoài lý thuyết, sẽ được học thực hành để học quy trình của một sản phẩm sẽ được tạo ra như thế nào. Tự mình tham gia vào quá trình từ sơ khai đến phức tạp” – bà Hà nói thêm.
Ông Phan Thanh Sơn, Phó Ban tổ chức Ngày hội STEM TPHCM chia sẻ: “Những câu chuyện về các nhà khoa học nổi tiếng thế giới như Thomas Edison… đã đi vào tuổi thơ của tôi. Đã có nhiều lần bị thầy đuổi ra khỏi lớp vì tội làm đồ chơi”.
“Năm 1978, tôi được mẹ tặng từ điển bách khoa bằng ảnh là tài liệu chính thức về khoa học thế giới… đó chính là những kỷ niệm đó đã dẫn dắt tôi đi vào lĩnh vực công nghệ thông tin”.
“Khi chọn nghề, có ba vòng tròn: Đam mê – Năng khiếu và Nhu cầu xã hội. Nếu ta chọn nghề mà nằm ở phần giao thoa cả ba vòng tròn này sẽ có cơ hội thành công cao hơn. Phải để cho trẻ phát huy đam mê để có hứng thú học tập. Khi có đam mê, năng khiếu của trẻ sẽ được phát huy. Sau đó, hai giá trị trên sẽ giúp học trò biết được nhu cầu nghề nghiệp của xã hội”.
“Tại STEM, không chỉ tiếp cận khoa học– công nghệ – kỹ thuật và toán học mà học sinh còn được tiếp cận bộ kỹ năng tồn tại trong thế kỷ 21! Ở bộ kỹ năng này, mỗi con người phải biết nhiều lĩnh vực để hỗ trợ cho các em trong học tập và sống”- ông Phan Thanh Sơn nói.
Xin vui lòng đặt câu hỏi, bằng cách gửi comment phía dưới bản tin này.
Buổi giao lưu trực tuyến sẽ có sự tham gia của các diễn giả:
Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Thư Ký HCA, Trưởng BTC Ngày Hội STEM TPHCM.
Ông Phan Thanh Sơn, Phó BTC Ngày hội STEM TPHCM, Chuyên gia tư vấn cao cấp về CNTT, kĩ năng mềm, kĩ năng quản lý; Nguyên TGĐ Cisco System Việt Nam.
Ông Đoàn Kim Thành, Phó BTC Ngày hội STEM TPHCM, Giám Đốc Trung tâm Khoa học Công Nghệ Trẻ TST.
Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám Đốc Công ty DTT – Học viện STEM.
Ông Đỗ Hoàng Sơn, Tổng giám đốc Nhà sách Long Minh.
Bà Văn Thị Bích Ty, Trưởng Ban truyền thông HCA.
Ngày hội STEM lần đầu tiên tổ chức ở TPHCM sẽ diễn ra vào 2 ngày 16 và 17/1/2016 tại Đại Học Sài Gòn, 273 An Dương Vương, phường 3, quận 5.
Hồ Nguyễn Thiên Hương, học sinh lớp 6: Thưa cô chú, cho cháu hỏi cháu muốn được tham gia một câu lạc bô STEM nào đó lâu dài vì cháu thích khoa học, nhất là tìm hiểu về vũ trụ, làm cách nào để bốc hơi nước mặn cho ra nước ngọt… cô chú chỉ cho cháu một địa điểm ở TPHCM và cách thức ghi danh, sinh hoạt thế nào nha. Cháu hỏi thêm một câu nữa: Cháu muốn được một lần nhìn kính thiên văn nhưng chưa bao giờ được, cô chú ơi, Ngày hội STEM có kính thiên văn không ạ?
Ông Phan Thanh Sơn, Phó BTC Ngày hội STEM TPHCM.
Ông Phan Thanh Sơn: Rất vui là tuy mới học lớp 6 nhưng cháu đã có đam mê khoa học nhất là khoa học vũ trụ, cách làm ra nước mặn từ nước ngọt. BTC mời cháu và phụ huynh đến tham gia Ngày hội STEM để tìm hiểu rõ hơn về khái niệm này và các trung tâm Giáo dục STEM. Từ đó chú tin là cháu sẽ tìm ra được một trung tâm thích hợp về cả nội dung và vị trí để cho cháu tham gia.
Các cô chú cũng đang nỗ lực giới thiệu các câu lạc bộ này vào các trường cấp 1-2 ở TPHCM. Hy vọng ở trường cháu cũng sớm có. Nếu cháu đam mê thiên văn thì cháu có thể tìm hiểu từ bây giờ qua các sách báo và các nội dung trên Internet như Wikipedia tiếng Việt. Một nhân vật mà cháu có thể đã biết là Nhà thiên văn học gốc Việt Lưu Lệ Hằng (https://vi.wikipedia.org/wiki/Jane_L%C6%B0u).
Chú có biết một bạn nhỏ đang học STEM ở nhà chú có cùng đam mê thiên văn học như cháu và đã gặp trược tiếp nói chuyện với bà Hằng. Cháu hãy ước mơ và hành động từ bây giờ để biến ước mơ đó thành hành động. Chú có một cái kính thiên văn nhỏ, chú sẽ mang đến ngày hội để trưng bày, cháu có thể ghé tìm xem nhé. Hẹn gặp cháu ở Ngày hội STEM.
Minh Đăng: Xin cho cháu hỏi tích hợp là gì? Tích hợp các môn học là sao ạ? Làm sao có thể tư duy các môn học theo phương pháp tích hợp ạ? Cháu cám ơn các thầy cô.
Ông Phan Thanh Sơn: Cám ơn cháu đã có một câu hỏi thú vị. Lớp học STEM không nhằm thay thế các môn khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán mà cháu đang học.
Trong lớp học STEM tích hợp, cháu sẽ liên hệ khoa học đã được học với các hiện tượng thực tế, dùng kiến thức công nghệ đễ giải quyết vấn đề trong thực tế, học thêm khái niệm kỹ thuật (ở đây là engineering) để hoàn thiễn một sản phẩm cụ thể và kết hợp khả năng tính toán toán học vào các trường hợp thực tiễn/ tình huống thông qua việc thực hành cụ thể trong các dự án cụ thể.
Qua lớp học này cháu còn có thể rèn luyện các kỹ năng như suy nghĩ thấu đáo, giải quyết vấn đề, hợp tác, làm việc nhóm, suy luận lô-gíc.Tư duy tổng hợp, tích hợp kiến thức từ nhiều môn và vận dụng kỹ năng từ nhiều môn đó là một quá trình rèn luyện hình thành qua thực hành. Chú tin là cháu sẽ khám phá ra khả năng đó của mình qua từng dự án trong các lớp học STEM. Hẹn gặp cháu ở Ngày hội STEM.
Các em học sinh, thầy cô và phụ huỵnh đến tham dự buổi giao lưu trực tuyến
Hồ Trần Huệ Anh: Thưa các thầy cô, cho con hỏi rằng, khi tham gia CLB STEM này thì mình có dược tự mình làm thí nghiệm không ạ? Hay chỉ xem thôi vì con chỉ mới lớp 5 nên con sợ mình không được học khoa học và con muốn được biết địa chỉ của một số CLB STEM.
Ông Phan Thanh Sơn: Tất nhiên rồi con. Con sẽ tự mình sử dụng các kiến thức, công cụ và kỹ năng của mình để hoàn thành các thí nghiệm, dự án, mô hình với sự hướng dẫn khi cần thiết của các thầy cô. Con sẽ không tưởng tượng nổi là mình có thể làm được các sản phẩm phức tạp và dùng nhiều kiến thức của nhiều lĩnh vực như vậy.
Xa hơn nữa con còn có thể học lập trình để nạp vào các hệ thống để có thể một ngày nào đó con có thể lập trình như chú Hà Đông. Các trung tâm sẽ được giới thiệu ở Ngày hội STEM, con cố gắng xin phép ba mẹ đến dự nhé. Hẹn gặp con ở Ngày hội STEM.
Phạm Đăng: Tôi là một phụ huynh, xin BTC cho biết những kinh nghiệm làm STEM của các học sinh tham gia các cuộc thi khoa học và kỹ thuật quốc gia và quốc tế có được ứng dụng cho đa số học sinh không? Đặc biệt là học sinh nông thôn, BTC có ví dụ nào cụ thể hay không?
Ông Đỗ Hoàng Sơn, Tổng giám đốc Nhà sách Long Minh.
Ông Đỗ Hoàng Sơn: Trong 5 năm qua, Trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam là ngôi trường có nhiều thành tích nhất ở các cuộc thi khoa học và kỹ thuật cấp quốc gia và quốc tế.
Trên kinh nghiệm đó, năm học 2014-2015 Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam đã tổng kết các kinh nghiệm của học sinh THPT để đưa STEM tái chế vào Câu lạc bộ Khoa học của khối 6-7 với hơn 100 học sinh THCS tham gia.
Các em học sinh đã tự tạo ra những sản phẩm tên lửa, tàu ngầm của riêng mình từ các nguyên liệu dễ tìm như giấy bìa, vỏ chai, ống nước – Đó là STEM tái chế. Thông qua hoạt động làm đồ chơi, sản phẩm khoa học, các em học sinh dần hoàn thiện nhiều kĩ năng của giáo dục STEM.
Trường Hà Nội – Amsterdam hiện nay trở thành điểm sáng về các hoạt động STEM, kinh nghiệm của CLB khối 6-7 của họ đã được nhiều trường ở Hà Nội và các tỉnh học hỏi.
Đặc biệt là ở huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình, trong năm học 2014-2015, việc thành lập câu lạc bộ khoa học đã được khởi động và lan rất nhanh ở cả 96 trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện.
Những kinh nghiệm của trường chuyên Hà Nội-Amsterdam đã được chia sẻ tới các trường làng, nhưng không dừng ở đó, các thầy cô giáo và học sinh ở các trường làng của Thái Thuỵ đã tự phát triển các CLB theo cách của mình. Họ đã cho ra đời hàng ngàn đồ chơi các loại từ vật liệu tái chế.
Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám Đốc Công ty DTT – Học viện STEM.
Quân Trần: Chào các chuyên gia và BTC, sau những thông tin về ngày hội STEM tại TPHCM, con em tôi rất háo hức để được tham gia. Cháu khá thích khoa học và lắp ráp, nhưng hầu như chỉ là lắp ráp lego, nếu như gia đình tôi muốn con em mình được học và phát triển sự sáng tạo trong cháu thì có nơi nào ở TPHCM dạy không và việc học này có ảnh hưởng gì đến chương trình học tại trường của cháu không? Hiện cháu đang học lớp 3. Cảm ơn BTC.
Ông Nguyễn Thế Trung: Hiện tại ở TPHCM có nhiều đơn vị triển khai giáo dục STEM sử dụng robot của lego, và các robot khác. Trong Ngày Hội STEM lần này có 2 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ này là ELI và Học Viện STEM, khi đến với ngày hội bé sẽ được học thử các lớp học này và qua đó có thể cảm nhận tìm ra các khóa học phù hợp.
Buổi giao lưu trực tuyến ngày càng sôi nổi bắt đầu từ câu hỏi đầu tiên của cô Nguyễn Thị Thu Trang, Tiến sĩ Hóa học và hiện là Giảng viên Khoa Hóa ĐH Sư phạm TPHCM.
TS Nguyễn Thị Thu Trang, GV Khoa Hóa ĐH Sư phạm TPHCM: Liệu VN có đủ cơ sở vật chất? Giáo viên có đủ kiến thức cho các em và thầy cô tìm đâu ra thời gian và không gian đưa STEM vào trường học? STEM có thể phát hiện một em bé năng lực tốt nhất là gì và các em khuyết tật thì sao? Theo tôi có thể làm từ các em nhỏ và đưa vào nhà trường, bất kỳ môn học nào các em cũng được có điều kiện ra ngoài thực hành. Nhưng cho đến bây giờ chưa thấy người hướng dẫn cụ thể cho thầy cô huống gì các em có thể làm quen với STEM?
Bà Dương Thị Chi Mai, Giám đốc Trung tâm Giáo dục STEM TPHCM
Bà Dương Thị Chi Mai, Giám đốc Trung tâm Giáo dục STEM TPHCM: Năm 2012, STEM vào Việt Nam nhưng cứ nghĩ STEM là robot, robot là STEM. Như vậy là sai. Rất mong cộng đồng, cần có sự hỗ trợ từ phía nhà nước cùng chung sức để hỗ trợ chương trình STEM phát triển. Chúng tôi rất muốn đưa nội dung STEM vào trường học nhưng không phải là dễ.
Hiện nay sự ủng hộ của Chính phủ cho thấy những thuận lợi nhất định. Chúng tôi rất muốn đưa vào chương trình chính khóa để từ thực hành, các em sẽ có thể hiểu được những khái niệm rất dễ dàng hơn.
Hiện chúng tôi là tư nhân nên chỉ có thể tổ chức cho học sinh trường nào có nhu cầu như chúng tôi đã tổ chức cho trường Ngô Tất Tố đưa học sinh đi tham quan nhà máy lọc nước ở Singapore.
Bà Trần Thu Hà, cố vấn của Hội quán Các bà mẹ: STEM sẽ làm quá trình học tập của trẻ sẽ hứng khởi hơn. Ước mơ của phụ huynh và học trò được học STEM trong suốt quá trình học tập nhưng STEM tại Hà Nội chỉ mới được tổ chức tại các trường điểm như Lương Thế Vinh, Amsterdam, Vschool… Chúng tôi mơ ước phương pháp dạy học theo STEM phổ biến trên toàn quốc, từ các đô thị lớn đến vùng sâu vùng xa. Cần có chính sách phù hợp: thực tế, hình ảnh… Nên đơn giản về STEM để kích thích học đi đôi với hành.
Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký hội Tin học TPHCM: “Bộ Giáo dục đã cho phép các trường thành lập câu lạc bộ em yêu khoa học. Đầu năm 2016 mô hình này sẽ hoạt động, tùy theo điều kiện mà có nội dung sinh hoạt khác nhau, nếu đưa STEM vào hoạt động của câu lạc bộ sẽ hay hơn. Nhiều chuyên gia đề nghị giảm lý thuyết tăng cường học tập. STEM nên được phổ biến ở vùng sâu vùng xa, cần được cộng đồng chung tay.
Ông Phan Thanh Sơn: “Bộ giáo dục và UNESCO có chương trình xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời: ai cũng học, cung cấp dịch vụ học tập… STEM đi đúng với chương trình trên. Học sinh có thể lựa chọn môn học, thời gian học của STEM khác nhau. Hiện nay các trường có các câu lạc bộ STEM do nhiều bên phối hợp tổ chức. Để STEM hoạt động hiệu quả, cần có sự tham gia trong gia đình, xã hội, quan trọng nhất là cha mẹ.
Diễn giả giải đáp câu hỏi của các cử tọa có mặt tại buổi giao lưu.
Một giáo viên trường quốc tế ở TPHCM: Tôi mới tìm hiểu STEM nhưng ai nói rằng Việt Nam chưa có STEM là không đúng. Vấn đề là cách hoạt động và gọi tên của nó mà thôi. Trường chúng tôi mở nhiều câu lạc bộ, trong đó có câu lạc bộ: “Em yêu Khoa học” theo nhiều cấp độ: từ lớp 1-3, lớp 4-6, lớp 7-11. Tôi đang băn khoăn một điều, làm thế nào để chúng tôi được đưa vào các chương trình chính thức và sẽ đưa vào khóa học 2016- 2017?
Bà Văn Thị Bích Ty, Trưởng Ban truyền thông HCA: Hai ngày dự kiến, Ban tổ chức STEM có: 4 khu chính gồm: Khu lớp học với 16 lớp, mỗi lớp sẽ có 20 học viên với giáo viên là các giảng viên của các trung tâm STEM.
Phụ huynh nên đăng ký qua mạng để ban tổ chức sắp xếp các buổi học và trò chơi. Mỗi lớp sẽ diễn ra trong 45 phút và liên tục thay đổi nhau.
Có hội thảo về STEM dành cho phụ huynh với sức chứa 150 người. Học sinh sẽ đăng ký theo mẫu của BTC trên các website của thegioihoinhap.vn, Hoiquancabame.com, HCA, BSA… Vẫn còn cơ hội cho các em đến trực tiếp ngày đó.
Tiếp đó là STEM Show, biểu diễn về khoa học kỹ thuật robot trực thăng, các thầy cô trình diễn các phản ứng hóa học, các hiệu ứng toán học… giúp các em có thể tự làm thí nghiệm sau khi tham dự một buổi như vậy. Dự kiến số học sinh 130 em.
Ngoài ra, tại một hội trường có diễn ra buổi nói chuyện chia sẻ Làm thế nào phụ huynh học STEM với con trong không gian của ĐH Sài Gòn, các em sẽ được tham gia các hoạt động.
TS Toán học Trần Nam Dũng: Đến với Ngày hội STEM Các em sẽ được làm quen với cách học và làm sao để các em vui. Các em sẽ được chia làm 2 nhóm, nhóm nhỏ và nhóm lớp lớn. Bên cánh đó các trò chơi toán học, có thi đấu, có thắng, có thua nhưng đời hỏi các cháu phải suy nghĩ và nhanh nhẹn. Đối với phụ huynh, tôi chia sẻ vấn đề phát triển tư duy cho các em như thế nào từ nhỏ đến lớn.
Một sinh viên ĐH Sư phạm TPHCM: Xin cho tôi hỏi tiêu chí hoạt động của STEM là gì?
Ông Vũ Anh Tuấn: STEM là một chương trình học thực hành. Hiện tại, STEM đã được các nhà giáo dục, các trường đại học, các công ty hỗ trợ về nội dung của STEM. Chúng tôi đã đưa nội dung này STEM lên mạng để cộng đồng tham gia.
STEM là một hoạt động lâu dài, từ bé cho đến hết cấp 3. Có nhiều lớp học dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau, kể cả sinh viên như câu lạc bộ trí tuệ nhân tạo của ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM của TS Vũ Hải Quân.
Một học sinh lớp 6 ở Phú Nhuận, TPHCM: Con muốn tham gia một câu lạc bộ khoa học định kỳ, vậy tham gia ở đâu?
Ông Vũ Anh Tuấn: Khoảng 15 – 20 trường ở TP.HCM có câu lạc bộ về robot. Chúng tôi đang cập nhật thông tin về câu lạc bộ robot, câu lạc bộ khoa học lên trang web của ban tổ chức STEM để các bậc phụ huynh và học sinh nắm.
Sau khi tổ chức ngày hội STEM ở Sài Gòn, sẽ tổ chức những ngày hội STEM ở các địa phương khác trên cả nước.
Tiếp Thị Thế Giới https://thegioihoinhap.vn/quoc-te/truc-tuyen-stem-chuyen-du-hanh-vu-tru/