Kiều Minh Mạnh
Ai cũng biết đến những loài hoa dại: trinh nữ, sim tím qua thi ca nhạc họa. Rồi không biết từ lúc nào, loài hoa quỳ vàng hoang dại trên cao nguyên Lâm Viên đã nở rộ từ nỗi nhớ của những đứa con xa quê, trở thành “sứ giả của mùa đông cao nguyên” và đi vào thơ. Loài hoa dại mang tên hoa quỳ, rồi đã từ lâu lắm nó được gọi cúc quỳ- có lẽ vì nhìn nó rất giống với loài hoa cúc mà người Đà Lạt thường trồng. Gần đây có ai đó đã gọi Dã quỳ: loài hoa quỳ hoang dại? “Cúc quỳ”- nghe gần gũi thân thương! “Dã quỳ”, nghe có quý phái hơn không? Nhưng dù người đời có tô son dặm phấn, thì loài hoa này vẫn chỉ đẹp nơi sơn dã, làm ấm lại những nẻo đường cao nguyên trong mùa gió heo may. Những người dân sống ở cao nguyên vẫn nhìn nó giản dị như vốn vậy: một buổi sáng trở lạnh nhìn thấy những vạt nắng hoang hoải suốt những nẻo đường, trên những vạt đồi, người lớn chép môi: “Hoa quỳ nở, hết mưa, lập đông rồi đó! Vậy đó, chẳng kiêu sa đài các, loài hoa âm thầm khoe sắc vàng báo buổi lập đông, rồi nhanh chóng phai tàn như một chiều tắt nắng, để nhường cho màu hồng rực của hoa anh đào khắp nẻo báo hiệu xuân sang!
Ông là người con của Phan Thiết- Bình Thuận. Nhưng là một người đã ở trọ Đà Lạt suốt 31 năm thì thành phố sương mù đối với Trần Vấn Lệ chắc chắn không chỉ “là nơi đất ở”, như ông đã tâm sự: “… Mình coi Đà Lạt như Cha Mẹ. Cha Mẹ đổi thay nét mặt, thân hình…nhưng không đổi thay tấm lòng…”. “Ai đã lên Đà Lạt, quả thật không muốn về…Tôi nhớ quá rừng thông, xanh xanh từng dốc núi. Nhớ cả con dế nhũi, chạy dưới gốc dã quỳ. Đà Lạt- tôi ở đây, mấy mươi năm khôn lớn…”
Hơn 15 năm làm thầy giáo: “Đà Lạt tôi thắm thiết, thời tôi dạy học trò, có em thơm như ngo, có em hiền như liễu…” (Nói trước dẫu muộn màng- TVL) Chắc chỉ có thầy giáo nhà thơ thì mới cảm nhận học trò mình “thơm như ngo, hiền như liễu”. Ngo và liễu ở Đà Lạt thì nhiều lắm…mà sao lại không “thơm như thông” mà lại “thơm như ngo” nhỉ? Ngo được chẻ ra từ thân cây thông, là những đoạn thân đọng nhiều tinh dầu nhất, người ta dùng nhóm lửa. “Tôi đang nhớ Giang Sơn Cẩm Tú. Phải chi còn học trò tôi giảng cho các em nghe. Tại sao con người có một cảnh Quê, có một nơi gọi là Nơi-Chôn-Nhau-Cắt-Rốn. Không có ai bên, tôi nói với người- trong – mộng…” (Đà Lạt mùa hoa quỳ- TVL)
Trong màu vàng thủy chung nhưng đầy tiếc nuối xuyên suốt Dã Quỳ Thương Nhớ, có một địa danh thi nhân thường nhắc đến bên cạnh Đà Lạt, đó là Dran- Đơn Dương: “Chiếc xe đò Đà Lạt xuống dốc về Dran, đường xe lửa nghiến răng chỉ còn trong ký ức. Lạy trời em đừng mất…vì còn hoa quỳ kia”…(TVL).
Quận Dran xưa như một cánh cung ôm bọc thành phố Đà Lạt gần trọn hướng đông nam từ Cầu Đất đến tận Liên Khương thuộc huyện Đức Trọng bây giờ. Dran bây giờ chỉ còn là một thị trấn nhỏ, bằng xã Lạc Nghiệp ngày xưa, từ Eo Gió, đầu đèo Ngoạn Mục đến giáp Trạm Hành là qua địa phận Đà Lạt; hướng tây hết “Cây số 4” là đến xã Lạc Xuân của huyện Đơn Dương rồi. Dran nhỏ vậy thôi nhưng đó chính là khu quận lỵ Dran ngày xưa, hình thành đồng thời với Đà Lạt, đối với người Dran là một trời kỷ niệm. Chỉ là một ga nhỏ giữa chặng đường sắt răng cưa huyền thoại Tháp Chàm- Đà Lạt, Dran đã là nơi dừng chân của bao lữ khách vô tình, nhưng lại hữu duyên với chàng trai Trần Vấn Lệ. Dường như mảnh đất này đã nặng tình lắm với nhà thơ, vì hơn phân nửa bài trong tập san đều nhắc đến Dran- Đơn Dương như trong- mê- mị. “…Nhưng tôi vẫn chưa mê bằng nem Bà Tư Nhựt. Đi qua đèo Ngoạn Mục, tiệm của bà, Dran. Cái quán nằm giữa đường, lên đồi thông quận lỵ…” Nhưng có phải nhà thơ nhớ Dran chỉ vì vị ngon của nem nướng Bà Tư Nhựt? Nhớ đến nỗi: “Pleiku xa xăm, tôi đi công tác, tôi xa Đà Lạt, tôi xa Đơn Dương”…Một ngày nắng Sài Gòn cũng khiến ông mơ về Dran: “Anh nhớ màu anh nhớ, Dran hoa quỳ vàng, em đi chiều nắng tan, hoa vì em rực rỡ”(Một ngày Sài Gòn nắng- TVL) Nỗi nhớ ám ảnh dù thân đang ở cách xa đến nửa vòng trái đất: “Sáng hôm nay hữu tình nên thấy người hữu ý: cô láng giềng người Mỹ gặp tôi cười hello!…em ơi em à em, tôi gọi bằng tiếng Việt, bởi lòng rất tha thiết một người xa rất xa…Sáng hôm nao quê nhà- một thời xưa xưa lắm- cũng một ngày rực nắng, Đà Lạt vàng hoa quỳ…Sau đó thì chia ly…”(Hoa quỳ bướm chàng và em- TVL)…
Mặc cho Trần Vấn Lệ mơ màng không biết ta là bướm hay bướm là ta, thì thơ ông đã lộ cho ta bóng hình một thiếu nữ: “Em sinh ở Dran/ Tháng Chạp hoa quỳ vàng/Tôi hái nụ đẹp nhất/ Quỳ, kính dâng lên nàng…” ( Sinh nhật- TVL). Đã hé lộ không chỉ một cuộc chia ly! Một cuộc chia ly lịch sử giữa ông và mảnh đất ông đã gắn bó suốt thời trai trẻ; nhưng dường như từ rất lâu trước đó, một cuộc ly biệt khác giữa đôi lứa yêu nhau: “Hồi em tuổi mười bảy, xấp giấy không có thơ…hồi đó tôi ước mơ mình lớn thêm chút nữa. Tôi không ngờ ngày đó, em xuống đò sang sông!…Xấp giấy tôi đang mở, chưa có một chữ nào, như thế là làm sao? Tôi muốn trào nước mắt!…” (Em ơi anh còn nhớ em từng dấu bàn chân- TVL). Chúng ta sẽ còn đọc thấy rất nhiều lần trong thơ của Trần Vấn Lệ hình bóng người thiếu nữ tuổi mười bảy “áo hồng sang sông” đầy tiếc nuối. Người con gái sinh ở Dran, có lẽ đã học ở Trường Bùi Thị Xuân- Đà Lạt, nói giọng Huế dịu dàng đã níu vướng trái tim chàng thi sĩ từ ngày ấy đến tận bây giờ. Để thêm cuộc chia ly, sự cách ngăn về địa lý giữa nhà thơ và cố quốc, khiến nỗi niềm hoài niệm của ông như cao lên, như sâu hơn. Đó là hình bóng một người con gái vô danh vô hình ẩn trong màu hoa quỳ chung thủy, hình bóng đó là em, em là hoa dã quỳ- dã quỳ là quê hương- quê hương giữa lòng Tổ quốc!”Với người, tôi nghĩ là hoa. Với hoa, tôi nghĩ người là núi sông! Quê Hương, ôi đẹp vô cùng. Câu thơ cẩm tú tôi lồng trong tranh” (Chiều sương khói tỏa- TVL)..
Thơ Trần Vấn Lệ như văn xuôi nhưng có vần có điệu. Nhiều bài chẳng có dấu câu khiến người đọc phải tự tìm ngắt điệu, có người tưởng đó là lỗi của biên tập in ấn, đọc đến bài gần cuối mới vỡ lẽ. Thơ ông lạ, nhưng ông làm thơ dễ dàng như hơi thở, câu từ bình dị, cấu tứ giản đơn, dễ tìm được sự đồng cảm. Trần Vấn Lệ suy nghĩ bằng thơ, hoài niệm thành thơ, khóc cười cũng nên thơ…
Dã Quỳ Thương Nhớ với 38 bài thơ chưa phải là tập hợp những bài thơ hay nhất của Trần Vấn Lệ, nhưng tấm lòng, tình yêu ông gửi gắm cho mảnh đất con người Đơn Dương, Đà Lạt thật đáng trân trọng./.
https://www.dohongngoc.com/web/goc-nhin-nhan-dinh/tran-van-le-voi-da-quy-thuong-nho/
Ảnh: Nguyễn Hữu Đô