(PL)- Có một nhóm phụ nữ ngày ngày cần mẫn góp nhặt sự ủng hộ của bạn bè, người thân để mua cây giống, mang đi trồng ở nhiều nơi.
Vào đúng ngày Quốc tế về rừng năm nay (21-3), chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (Hội trưởng Hội quán các bà mẹ TP.HCM) sẽ mang 115 giống cây gồm các loại: cây sao, cây dầu, cây phượng tím và cây mai anh đào lên Gia Nghĩa (Đắk Nông) để trồng ở những con đường, cánh rừng đã không còn nhiều bóng cây như trước. Toàn bộ số tiền để mua cây giống đều từ sự đóng góp, hưởng ứng của rất nhiều người.
Nhiều gia đình cùng đưa con cái đi trồng cây ở nhà thờ Ka Đơn (Lâm Đồng) từ lời kêu gọi của chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ TP.HCM. Ảnh: T.TUYỀN
Đem cây đi trồng khắp nơi Thực ra chị Thúy đã “rủ rê” mọi người cùng góp sức để mang cây giống đi trồng ở nhiều nơi trong gần hai năm qua. Không chờ đến dịp quan trọng hay lễ lạt mà mỗi ngày chị đều tìm cách truyền đi thông điệp trồng cây gây rừng với những người xung quanh mình. Tự bản thân chị thấy đau cho những hàng cây, cánh rừng đang dần chết đi nên cứ vậy mà bắt tay làm. Đó là lời tâm tình mộc mạc của chị trên Facebook như: “Mai tụi mình lại mang cây lên đây trồng”, “Cần thêm nhiều cây xanh dọc các con đường, mọi người có ai muốn thì chung sức cùng tụi mình”... Vậy đó mà suốt hai năm qua chị cùng mọi người đã mang nhiều giống cây lên trồng ở Đơn Dương, ở nhà thờ Ka Đơn (Lâm Đồng) hay nhiều vùng miền khác nữa... Không góp tiền thì góp sức, từ các bà mẹ đến những đứa trẻ đã rất tích cực hưởng ứng và tham gia cùng. Trong số đó chị Chinh là người thường xuyên tham gia vào hoạt động trồng cây này. Nói về lý do bắt tay cùng chị Thúy vun trồng những nhành cây mới, chị Chinh bảo rằng ngày xưa đi học ở quê thì cây cối rất nhiều, cứ đi học về là cả đám tụm năm tụm ba lại ngồi dưới bóng cây. “Bây giờ thì làm gì còn, tôi làm điều này cũng là cách để tìm về tuổi thơ ngày xưa của mình, để tạo thêm nhiều bóng mát, không khí trong lành cho mọi người. Việc chúng tôi làm nó nhỏ nhỏ thôi nhưng lâu dần sẽ trồng được nhiều hơn” - chị Chinh cười. “Hôm qua có người vừa nhắn sẽ ủng hộ tiền để mua thêm chục cây nữa. Mừng ghê!” - chị Thúy nói khi nhận được tin nhắn.
Chị Thủy Vũ (trái), tác giả cuốn Luật của rừng, giao lưu với bạn đọc. Ảnh: T.TUYỀN Tìm mọi cách lan tỏa tình yêu rừng Cuối tuần qua Hội quán các bà mẹ TP.HCM đã có một buổi nói chuyện thân thiết với Thủy Vũ - tác giả của tập sách Luật của rừng. Những câu chuyện kể về rừng, về những hàng cây trong ký ức, về dòng suối mát lành của ngày thơ ấu được kể, truyền tai từ người này qua người khác, ghim vào ý thức của các bạn trẻ, người lớn hay cả trẻ thơ một ý thức bảo vệ những cánh rừng. Tác giả tập sách Luật của rừng kể rằng chị sống và lớn lên giữa lòng người đồng bào dân tộc Ê Đê, giữa bạt ngàn những cánh rừng nên tình yêu dành cho rừng, cho những hàng cây cũng lớn dần lên từ đó. Đó là những tháng ngày ở rừng, khát thì có nước trong những hốc đá chảy ra để uống. Đói thì có bắp trên nương rẫy, cây trái trong rừng để ăn... Chị Thủy Vũ tâm tình: Hiện nay những cánh rừng ở Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã không còn nhiều nữa vì nhiều nhà máy, khu công nghiệp đang dần mọc lên. Điều mà chị trăn trở là làm sao để vun trồng lại những nhành cây ngay từ bây giờ để cứu lấy rừng. Như cách mà người cha của chị đang làm mỗi ngày... Theo lời kể của chị Thủy Vũ, vì quá yêu cây rừng nên nhiều năm nay khi thấy những cánh rừng đang dần chết đi, cha của chị - ông Vũ Văn Tiếng đã bắt đầu đi trồng cây. Từ năm 2000 đến nay ông Tiếng đã trồng được 300 cây giống đủ loại như cây lim, cây tấu trên mảnh đất cằn cỗi. Không những thế, ông Tiếng còn kêu gọi con cháu mình cùng tham gia trồng. “Ba mình bắt đầu từ một, hai cây nhỏ rồi cứ như vậy từ năm này qua năm khác. Giờ đã được 300 cây rồi” - chị vui mừng cho biết. Còn chị Thúy, chị chỉ có một ước muốn đơn giản rằng mỗi người mẹ hãy nói với con hôm nay sẽ không ăn một gói snack, để dành số tiền đó góp vào quỹ trồng cây đã là mừng rồi. “Một giống cây chỉ có 10.000 đồng thôi, một gói snack con ăn đã từ 7.000 đồng hoặc còn hơn giá đó. Mình nói con giảm lại, để dành số tiền đó góp vào quỹ là mình lại có thêm một cây nữa rồi” - chị Thúy trải lòng. “Đốn một cây lớn thì trồng năm cây nhỏ” Mình sống ngay ở vùng đồng bào và thấy mọi thứ đều có luật lệ, luật của rừng nó không có bất biến, khi mình yêu thiên nhiên thì thiên nhiên cũng yêu lại mình thôi... Người Ê Đê quan niệm: Khi đốn một cây lớn thì phải trồng năm cây nhỏ để thay thế; sinh ra một đứa trẻ là trồng thêm một cây rừng; họ cũng không bao giờ đốn hạ rừng đầu nguồn. Chị THỦY VŨ, tác giả sách Luật của rừng Bán sách gây quỹ trồng rừng Toàn bộ số tiền bán được từ tập sách Luật của rừng sẽ được chị Thủy Vũ dùng để gây quỹ trồng rừng với mong muốn phục hồi những cánh rừng đang dần mất đi tại quê hương Đắk Nông của chị. https://plo.vn/xa-hoi/thay-vi-chi-trich-cac-ba-me-ru-nhau-di-trong-rung-760692.html
THANH TUYỀN