Một ngày giữa tháng 3, chúng tôi đến nhà lão bác sĩ họa sĩ Dương Cẩm Chương, chuẩn bị cho dự án xuất bản quyển truyện tranh cho thiếu nhi về những tấm gương Việt.
Tự hào và yêu mến trào dâng, quả thật đất Việt không thiếu người tài giỏi. Năm 1945, BS Dương Cẩm Chương là 1 trong 5
BS có năng lực cao nhất và được chọn thay thế các BS Pháp chịu trách nhiệm về chuyên môn cho Sài Gòn và 3 nước Đông Dương.
Ông nhớ và tìm những thông tin đã lưu trữ trong tài liệu như một cái máy tính: ngày nào, sự kiện gì, lưu trong quyển nhật ký số mấy bìa màu gì và đặt ở đâu trên tủ. Và tôi hào hứng nhất với tuyển tập
"Giọt nước cành dương" của ông, nơi lưu thông tin, thơ, hình ảnh của những người phụ nữ trong đời của ông với một sự yêu mến, biết ơn, trân trọng và đậm nghĩa yêu thương.
Cuốn sách nhỏ đã được chuyển ngữ Anh- Việt và tái bản lần thứ 3.
* Chia sẻ của một thành viên trong nhóm tác giả:
Gặp thầy Trần Văn Khê khi thầy đi khám bệnh. Có lẽ thầy là một trong không nhiều những bệnh nhân chung sống ổn định và lâu dài với căn bệnh tiểu đường (hơn 40 năm). Giọng nói thầy thật ấm: “thầy có cây bút riêng để ký tặng sách” rồi lấy ra từ chiếc túi nhỏ đeo trên người.Cũng khoảng thời gian này một năm trước, chúng tôi gặp thầy và đau đáu ý tưởng manh nha trong đầu về những tấm gương Việt Nam, những câu chuyện người thật việc thật, những nhân vật bằng xương bằng thịt với ý chí và tình yêu thương mãnh liệt dành cho gia đình, cho quê hương đất nước, gần gũi và chân thật, đâu có cần tìm ở đâu xa. 6 tháng sau, sách thành hình, vội vã chạy đua với thời gian với nỗi sợ hãi không dám nói ra, rằng tụi con sợ chậm, không kịp xin chữ ký thầy.Ngày hôm nay, quyển sách Tuổi thơ Tấm Gương Việt đã được tái bản với phiên bản song ngữ Anh – Việt. Và thầy ở đây, lần giở từng trang trang sách với nụ cười thật hiền…Ấp ủ tập hai với đề xuất nhân vật Nguyễn Ngọc Ký…Việt Nam đâu có thiếu người tài, nhưng hệ thống truyền thông đã bỏ quên họ với hàng loạt những tin “hot” khác mất rồi…
Phan Diệu Linh