Trong mỗi người đều có phần thiện và ác. Để điều chỉnh, tu dưỡng thì trước hết trong nhà phải có nề nếp, gia phong; ngoài xã hội phải sống và làm việc theo pháp luật
Ở tuổi 78, bà Đàm Thị Lư (ngụ quận 9, TP HCM) vẫn rất nhanh nhẹn, minh mẫn. Bà Lư là người gốc Thanh Hóa, theo chồng vào TP HCM từ năm 1947. Chồng mất, một tay bà nuôi 6 người con khôn lớn, dựng vợ gả chồng. Không giàu có nhưng các con bà đều có nhà riêng, tổ ấm hạnh phúc.
Dày công xây dựng nếp nhà
Với gia đình bà Lư, thời thế có thay đổi thế nào thì tình cảm gia đình vẫn đặt lên hàng đầu. Thế nên, nhà dù đông con cháu nhưng mấy chục năm sống cạnh nhau vẫn luôn ấm êm, khăng khít. Bà Lư cười móm mém, nói: "Đó là hạnh phúc lớn nhất của đời tôi".
Bà Lư có hai con dâu, một ở gần, một sống xa. "Từ trước đến nay, gia đình tôi sinh sống ở đây không điều tiếng gì. Mẹ chồng thương yêu không phân biệt trai, gái, dâu, rể nhưng đòi hỏi con cháu phải hiếu đạo. Đó cũng là điều mẹ luôn cố công giáo dục chúng tôi" - chị Nguyễn Thị Ngọc Nguyên (SN 1977), con dâu út của bà Lư, tâm sự.
Nhìn cách bà Lư khéo léo đưa nề nếp gia đình vào khuôn khổ từ những việc nhỏ nhất, hàng xóm xung quanh thường mách nhau học tập cách dạy dỗ con cháu của bà. Ngày Tết, ngày giỗ trong năm, các con đều tề tựu đông đủ, dù ở xa cũng tranh thủ về. Bởi bên cạnh việc báo hiếu, cúng giỗ còn là dịp đoàn viên của đại gia đình.
Vào ngày giỗ, không khí trong nhà luôn tất bật, đông vui. Mỗi người mỗi việc, chia nhau cùng làm. Đàn ông lo sắp xếp bàn ghế, chè nước rôm rả. Phụ nữ dậy sớm đi chợ, chuẩn bị mâm cỗ cúng sao cho tươm tất nhất. Con trai út ở nhà thờ phải lo hương khói nhưng các anh chị em khác đều cùng góp giỗ theo khả năng.
Đứng trước bàn thờ, đám trẻ con nghiêm cẩn chắ́p tay vái lạy những người đã khuất, dẫu chưa từng gặp mặt. Người lớn được dịp kể cho con cháu nghe những câu chuyện của gia đình, dạy chúng về lòng biết ơn tổ tiên, ông bà. Đây cũng là dịp những thành viên trong gia đình có cơ hội chia sẻ cho nhau những câu chuyện đang gặp phải để được giúp đỡ kịp thời.
Quây quần bên mâm cỗ, đám trẻ con cười nói rôm rả với các anh chị em họ. Chúng còn được dạy cách "kính trên nhường dưới", cách mời cơm ông bà, cô, dì, chú, bác… đến cách dùng đũa, ngồi ăn sao cho phải phép. Những khuôn phép được lặp đi lặp lại thường xuyên, trở thành nếp nhà tự nhiên mà người lớn, trẻ con ở nhà bà Lư đều thuộc lòng. Từ đó hình thành nên những tính cách tốt đẹp trong họ một cách tự nhiên nhất.
Chị Nguyên chia sẻ: "Ba mẹ tôi mất sớm, tôi xem mẹ chồng như mẹ ruột. Làm dâu hơn 22 năm, tôi được chỉ dạy từ chuyện bếp núc đến việc nuôi dạy hai con, ứng xử trong gia đình, đối đãi với bà con, láng giềng. Mẹ luôn là tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo".
📷Bà Đàm Thị Lư cùng con dâu út những lúc rảnh rỗi
Duy trì bữa cơm gia đình
Việc duy trì nề nếp, gia phong, bảo tồn những giá trị truyền thống văn hóa thông qua những mâm cỗ đầy ắp yêu thương, những cuộc đoàn viên ấm cúng như gia đình bà Lư hiện không còn nhiều. Là người đi nhiều, có cơ hội quan sát nhiều gia đình ở các địa phương khác nhau, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ, cho rằng ngày nay, thậm chí những bữa cơm gia đình cũng trở thành giây phút hiếm hoi, không dễ có ở các hộ được xem như là hạt nhân sống trong các đô thị lớn.
Cuộc sống hiện đại tất bật, bố mẹ trọng công việc, lịch học dày đặc của con khiến những bữa cơm gia đình bị xem nhẹ. Một số bà mẹ ngại việc tự nấu nướng khiến gian bếp gia đình trở nên nguội lạnh. Đây thật sự là điều đáng tiếc, tác động tiêu cực đến hạnh phúc của mỗi gia đình.
Chị Thúy bộc bạch: "Những bữa ăn gia đình không đơn thuần chỉ để no bụng mà còn giúp nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách cho các thành viên. Giây phút đoàn viên, cùng nhau thưởng thức những bữa cơm ngon, hợp khẩu vị giúp các thành viên cảm nhận được sự kết nối, quan tâm lẫn nhau, giúp giải tỏa căng thẳng và áp lực trong cuộc sống. Hơn nữa, đó còn là nơi ông bà, cha mẹ chia sẻ kinh nghiệm, giáo dục đạo đức, lối sống cho con cháu, góp phần vun vén, xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ".
Chị Thúy bồi hồi kể về những ký ức không thể quên về những lần ông bà, cha mẹ và 5 anh chị em quây quần bên mâm cơm ngày xưa. Những món ăn tuy dân dã nhưng gói ghém đầy ắp tình thương của một gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Đó là những ký ức đẹp đã nuôi dưỡng tâm hồn các thành viên trong gia đình, để ai nấy cũng cảm thấy được yêu thương và ngôi nhà mãi là tổ ấm mà mỗi người luôn muốn tìm về.
Cũng theo chị Thúy, ít nhất nên duy trì 2 bữa ăn chung hằng ngày trong gia đình là ăn sáng và ăn tối. Món ăn không nhất thiết quá cầu kỳ, mất thời gian, chỉ cần đủ chất dinh dưỡng, hợp khẩu vị của các thành viên trong gia đình. Quan trọng hơn, trong mỗi bữa ăn cần duy trì được không khí thân thương, ấm cúng, vui vẻ. "Khi tâm hồn được ươm trồng bởi những điều hạnh phúc, tốt đẹp sẽ giúp nảy nở những bông hoa tươi thắm nhất cho đời" - chị Thúy chia sẻ.
Gia pháp cũng theo thời thế
Theo chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, giá trị lớn nhất của việc duy trì nề nếp, gia phong là tạo ra những con người có ích cho xã hội. Mỗi con người đều có phần thiện và ác. Để điều chỉnh, tu dưỡng cho mỗi người thì trước hết, trong nhà phải có nề nếp, gia phong, ngoài xã hội phải sống và làm việc theo pháp luật. Tuy nhiên, cũng giống như luật pháp, nề nếp, gia phong của mỗi gia đình, dòng họ cần được điều chỉnh phù hợp theo thời đại. Vì khi đi ngược thời đại, con cháu khó thích nghi mà "hòa tan" cùng thời đại thì dễ bỏ mất gốc rễ.
Bài và ảnh: Trần Thái
https://nld.com.vn/ban-doc/giu-nep-nha-ren-nhan-cach-noi-khoi-dau-xay-dung-nhan-cach-dao-duc-20200917200916761.htm?fbclid=IwAR1HXpi8ScUtVNHFlVuVXUtOtb6eoGRKiqLXJ0izem5ckcNy4LtbnHOKQfo
📷