(PLO)- Dù ở bất kỳ lứa tuổi nào, người tự kỷ vẫn luôn mang tâm lý của một đứa trẻ. Tọa đàm Trẻ tự kỷ cần gì của chúng ta được tổ chức bởi Hội Quán Các Bà Mẹ và NXB Phụ Nữ Việt Nam với sự tham dự của ThS Tâm lý Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Chuyên viên Ngữ âm trị liệu và ông Lê Tất Đạt (thành viên The Big Friends - tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ người tự kỷ ở Việt Nam).
Giúp trẻ tự kỷ: Cha mẹ cần kiên nhẫn, lắng nghe
Theo bà Tuyết Nhung, cha mẹ cần trang bị kiến thức về những giai đoạn phát triển của con. Nếu trẻ có dấu hiệu hơi bất bình thường cần đưa đi khám sàng lọc để được bác sĩ chẩn đoán.
Trường hợp bác sĩ chẩn đoán trẻ đã bị tự kỷ, cha mẹ cần chấp nhận điều này. "Cha mẹ bị hoang mang và thường đổ lỗi cho nhau khi biết con mình bị tự kỷ. Thay vì đổ lỗi, họ cần vượt qua giai đoạn này càng sớm càng tốt, chấp nhận vấn đề. Tư tưởng, thái độ bố mẹ càng thoải mái thì sự can thiệp vào quá trình phát triển của trẻ tự kỷ để trẻ có cuộc sống tốt càng dễ dàng" - bà Tuyết Nhung nói.
Bà Tuyết Nhung chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: KHÁNH CHI
Cạnh đó, cha mẹ cần xác định phương pháp can thiệp phù hợp cho con với cường độ vừa đủ. Mỗi đứa trẻ là một cá thể đặc biệt, không thể áp dụng cùng một bài dạy, một mục tiêu và một phương pháp. Mỗi trẻ cần một hoặc nhiều phương pháp ở mỗi giai đoạn phát triển khác nhau. Lúc này, cha mẹ cần kiên nhẫn và lắng nghe ý kiến từ chuyên viên chăm sóc trẻ.
Tới độ tuổi trẻ cần hòa nhập xã hội, cha mẹ cần chọn phương pháp phù hợp với con mình. "Hòa nhập không nhất thiết phải đến trường mà có thể cho con học những kỹ năng sinh hoạt hoặc dạy nghề như pha chế, làm bánh, làm đồ handmade, học nhạc, tùy thuộc vào sở thích của mỗi trẻ. Lúc này, trẻ tự kỷ cần cha mẹ xác định tiềm năng và khả năng của mình, cha mẹ phải làm sao để vừa giúp con hòa nhập được với xã hội vừa không đánh mất bản sắc, cá tính của con" - bà Tuyết Nhung nhấn mạnh.
Cha mẹ cần chú ý không nên để trẻ có những biểu diện của dậy thì mới dạy con chăm sóc, bảo vệ bản thân, cách cư xử mà phải dạy con từ sớm. Theo ông Tấn Đạt, cha mẹ cần vượt qua nỗi sợ, áp lực về những vấn đề nhạy cảm của trẻ vào tuổi dậy thì trước.
"Cha mẹ cần bình tĩnh xem những vấn đề đó là điều bình thường mà đứa trẻ nào cũng phải trải qua để không ảnh hưởng đến tâm lý của con. Hãy dạy cho trẻ biết về quyền riêng tư, hoàn cảnh để trẻ có thể làm những hành động thuộc về tâm sinh lý. Nếu trẻ bị bắt buộc làm mà không hiểu lý do thì sẽ có những phản kháng, gây ra hậu quả đáng tiếc. Trong trường hợp trẻ tự kỷ có nảy sinh tình cảm yêu mến và bị từ chối tình cảm, cha mẹ cũng cần phải lắng nghe, chia sẻ và đồng cảm với con" - ông Tấn Đạt chia sẻ. Nói về phương pháp chăm sóc trẻ tự kỷ ở tuổi dậy thì, bà Tuyết Nhung cho rằng cha mẹ nên cho trẻ biết mình có thể ôm ai, khoác vai ai, cư xử với người lớn tuổi và người khác giới như thế nào. Nếu có thể, hãy lập cho trẻ một bảng hành vi được phép và không được phép để trẻ ghi nhớ.
5 từ khóa chăm sóc con trẻ tự kỷ Ông Tấn Đạt đưa ra năm từ khóa về phương pháp chăm sóc trẻ tự kỷ: K - H - U - N - G. Trong đó, K là khám phá: Cha mẹ hãy cùng khám phá thế giới của trẻ, xem việc chăm sóc trẻ tự kỷ là điệu khiêu vũ cùng trẻ. Để hoàn thành điệu khiêu vũ, sẽ có lúc cha mẹ phải tiến, phải lùi, nhưng phải luôn kề cạnh con mình, tìm cách dạy cho con hiểu, đừng bắt con học theo mình. H là hạnh phúc: Trẻ tự kỷ cần cha mẹ hạnh phúc trong quá trình đồng hành, trong từng giai đoạn phát triển. Trạng thái đó của cha mẹ sẽ đồng hành, phản chiếu và mang đến cảm giác tích cực cho trẻ tự kỷ. U là understand (thấu hiểu): Chuyên gia tốt nhất chính là đứa trẻ, hãy để trẻ thể hiện ra nó cần gì, muốn gì. Bắt buộc trẻ làm theo mong muốn của bố mẹ là hạn chế khả năng của trẻ. Cha mẹ cần lắng nghe, thấu hiểu và cảm nhận thứ trẻ cần, bao gồm khung giờ nghỉ ngơi, sinh hoạt, món ăn yêu thích, sở trường, sở đoản, kỹ năng và công việc yêu thích của trẻ. N là niềm tin: Trẻ cần có niềm tin từ cha mẹ, trẻ có thể cư xử chưa phù hợp với yêu cầu của xã hội nhưng nó phù hợp với chính bản thân trẻ. Điều hôm nay trẻ tự kỷ thể hiện không thể phản ánh được tương lai trong những năm sau của trẻ, vì vậy cha mẹ hãy giữ niềm tin và đồng hành cùng con mình. G là gắn kết: Cha mẹ hãy gắn kết trẻ với chuyên gia chăm sóc trẻ tự kỷ, với thành viên trong gia đình, với xã hội để tạo ra việc làm cho trẻ, tương lai của trẻ. Dù ở bất kỳ lứa tuổi nào, người tự kỷ vẫn luôn mang tâm lý của một đứa trẻ. Đứa trẻ hiểu mọi việc theo cách đơn giản nhất. Cha mẹ đừng quá đặt kỳ vọng vào con mình mà chỉ cần con tốt hơn ngày hôm qua và hãy là người bạn đồng hành trong thế giới của con để con cảm thấy an toàn và tự tin.
Khánh Chi
https://plo.vn/xa-hoi/day-la-nhung-dieu-tre-tu-ky-thuc-su-can-o-cha-me-976691.html