SKĐS - Nói về độ “phủ sóng”, có thể dịch giả Nguyễn Bích Lan không bằng những ngôi sao giải trí hạng A. Nhưng trong mùa COVID-19, Nguyễn Bích Lan góp phần làm sáng lên nghĩa đồng bào, thổi bùng ngọn lửa tình thương…
Từ triết lý Sống trong chờ đợi của Nguyễn Bích Lan
Với những ai yêu mến văn chương, Nguyễn Bích Lan không còn là cái tên xa lạ. Chị là người kém may mắn vì tuổi niên thiếu đã mắc căn bệnh loạn dưỡng cơ, đến nay vẫn chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Đi lại khó khăn, sức khỏe cũng không bằng mọi người nhưng bằng nghị lực, Nguyễn Bích Lan đã tự học tiếng Anh, trở thành cô giáo dạy tiếng Anh tại nhà, sau đó dịch sách, viết truyện, làm thơ… Bước qua số phận, Nguyễn Bích Lan được mọi người yêu mến gọi là "cô gái không gục ngã".
Trên hành trình văn chương, nhiều tác phẩm của nhà văn – dịch giả Nguyễn Bích Lan được đông đảo bạn đọc đón nhận. Có thể kể đến tự truyện Không gục ngã, Những ngọn lửa và mới đây nhất có Sống trong chờ đợi (thơ và truyện ngắn). Đặc biệt là mảng sách dịch, đến hiện tại, Nguyễn Bích Lan đã có cho riêng mình hơn 40 đầu sách, hầu hết là các tác phẩm nổi tiếng thế giới: Cây cam ngọt của tôi, Được học, Lời nguyện cầu từ Chernobyl, Cuộc sống không giới hạn, Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng, Sống cho điều ý nghĩa hơn, Đứng dậy mạnh mẽ…
Cô gái không gục ngã chính là chủ nhân giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột được giới chuyên môn, bạn đọc đánh giá cao. Năm 2020, Nguyễn Bích Lan cũng là một trong cá nhân nhận được giải thưởng phát triển văn hóa đọc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Với những gì đã làm, có cho riêng mình trên cánh đồng chữ, Nguyễn Bích Lan như một tấm gương, truyền đi nguồn cảm hứng cho giới trẻ. Nhìn vào cuộc đời, những trang viết của cây bút này, ai cũng cảm nhận được một nguồn năng lượng tích cực bật lên trên từng con chữ.
Ở cuốn sách phát hành cách đây không lâu Sống trong chờ đợi, Nguyễn Bích Lan viết lời mở đầu: "Suy cho cùng, con người sống trên đời này không phải để tích lũy của cải, cũng chẳng phải để tích lũy kiến thức, mà để tận hưởng hạnh phúc nếu có, vượt qua đau khổ nếu cần, và hoàn thành hành trình làm người trong cảm giác thanh thản".
Có lẽ triết lý sống ấy đã được Nguyễn Bích Lan áp dụng trong những ngày dịch COVID-19 vốn đã đem đến nhiều tai ương, thử thách ở đất nước hình chữ S.
… đến nghĩa tình đồng bào ngày dịch COVID-19
COVID-19 dường như đã làm mọi người xích lại gần nhau hơn, đặc biệt mạng xã hội là kênh kết nối từ trái tim đến trái tim, xóa đi những khoảng cách địa lý. Nguyễn Bích Lan cũng như bao người khác, trong những ngày giãn cách xã hội, trang facebook của nữ dịch giả cập nhật liên tục các dòng trạng thái nhưng ai cũng yêu, cũng quý.
Hàng hóa dịch giả Nguyễn Bích Lan và độc giả gửi cho người mắc COVID-19 tại bệnh viện hồi sức cấp cứu Becamex Bình Dương.Không như một số ngôi sao giải trí đình đám đôi khi chỉ "chém gió" trên mạng xã hội, như thần thánh hóa địa long (giun đất) chữa được COVID-19, lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng về đại dịch, những bài thuốc chưa có cơ sở khoa học… gây bức xúc trong dư luận, thì Nguyễn Bích Lan làm điều ngược lại. "Cô gái không gục ngã" đi khắp nơi trên…facebook, trở thành một điểm tựa cho người yếu thế dù Nguyễn Bích Lan và mọi người không hề quen thân, cách xa nhau cả ngàn cây số.
Trên facebook của dịch giả Nguyễn Bích Lan gần đây, bên cạnh những thông tin về dịch COVID-19 hữu ích được chia sẻ, chị còn cho thấy là "hậu phương" của những phận đời đang gặp khó khăn ở "tiền tuyến". Tác giả Những ngọn lửa thường xuyên đăng tải thông tin kêu gọi người thân, độc giả và bán sách của mình hỗ trợ lương thực, hoặc chuyển khoản cho những người đang cần sự trợ giúp ở Sài Gòn, Bình Dương…
Bản kê đồ hỗ trợ cho người dân cần trợ giúp trong dịch COVID-19 của 'Cô gái không gục ngã'.Trang Facebook của Nguyễn Bích Lan thường xuyên cập nhật những dòng như thế này: "Thưa cô bác! Sáng (chiều) nay tôi thay mặt cô bác gửi giúp chút vật chất tới những trường hợp sau…". Rồi cô gái không gục ngã chia sẻ thông tin, hình ảnh những món đồ đã gửi tới người cần hỗ trợ. Đó có thể là "Em Tuyến, chạy xe ba gác ở Bình Tân, thất nghiệp gần 2 tháng nay, nhà có con nhỏ. Tôi đã gửi Tuyến 500 nghìn".
Hoặc "Tôi đã gửi 500 nghìn tặng một bà mẹ trẻ quê Đại Lộc, Quảng Nam đang nuôi hai con nhỏ, ốm nhách. Em tên Nỡ, nỡ nghèo, nỡ bệnh. (Tiền này là tiền nhuận bút một bài viết của tôi trên Tạp chí Văn Nghệ Đắk Lắk + tiền chị Tố Nga mua 1 cuốn sách của tôi); Tôi cũng đã gửi một cặp vợ chồng lớn tuổi ở Gò Vấp, bác trai khuyết tật, bác gái không có thu nhập, khốn khó trong dịch bệnh 500 nghìn đồng"...
Đó chỉ là số ít trong rất nhiều chia sẻ của Nguyễn Bích Lan khi hỗ trợ người dân trong dịch COVID-19.
Cho đến gần đây, "cô gái không gục ngã" Nguyễn Bích Lan chia sẻ trên trang cá nhân, có thể nói vui đây là bản "sao kê" của nữ dịch giả đã làm trong khoảng một tuần trong dịch COVID-19. Sau một tuần dành thời gian cho đồng bào Sài Gòn và Bình Dương, chị và "cô bác" đã giúp được 86 trường hợp đại diện cho các gia đình khó khăn gồm công nhân thất nghiệp, người bán vé số, phụ nữ nuôi con nhỏ hoặc đang mang thai, người khuyết tật sống trong vùng dịch bệnh. Số tiền không nhiều, mỗi trường hợp được giúp 500.000 đồng (53 trường hợp), 31 trường hợp nhiễm COVID-19 hoặc bà mẹ đang mang thai được giúp 600.000 đồng; 3 trường hợp có người thân mất vì COVID-19 được giúp từ 1 - 2 triệu/1 trường hợp. Tổng là 50,1 triệu đồng.
Góp sức cùng bếp ăn cho lực lượng tuyến đầu chống dịchCũng trong một tuần, Nguyễn Bích Lan tặng 30 túi thuốc (theo đơn của bác sĩ) cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà ở Bình Dương. Tặng 15 hộp sữa của Đức, 100 bàn chải đánh răng trẻ em, 900 gói thuốc súc miệng dạng bột cho người mắc COVID-19 tại bệnh viện hồi sức cấp cứu Becamex Bình Dương. Số quà này được gửi thẳng tới các y bác sĩ ĐH Y Hà Nội để đưa vào Bình Dương.
Nữ dịch giả Nguyễn Bích Lan và "bà con cô bác" cũng tặng 5 triệu cho bếp ăn Hội Quán các bà mẹ để làm nước ép, bữa ăn dinh dưỡng cho y bác sĩ tại các bệnh viện dã chiến thuộc Quận 7 và Bình Chánh, TP.HCM. Điều đáng nói, trong tổng số tiền giúp đỡ đồng bào hơn 80,3 triệu đồng có hơn 14 triệu Nguyễn Bích Lan bán cuốn Sống trong chờ đợi và 400.000 nhuận bút báo của nữ nhà văn. Số còn lại do mọi người góp gửi nữ dịch giả chuyển đến những mảnh đời cần hỗ trợ.
Lòng trắc ẩn của chúng ta vô giá, một 'cô tiên' giữa đại dịch
"Sách thì ai tôi cũng bán cho, nhưng tiền thì tôi hầu như chỉ nhận của người thân, bạn thân, độc giả thân thiết của tôi. Toàn bộ số tiền nhận được tôi đã gửi giúp đồng bào. Nếu có sai sót hi hữu thì cũng là do nhầm lẫn không cố ý. Tiền sách của tôi tôi còn tặng đi, thì lẽ nào tôi tham tiền của cô bác.
Nếu tôi muốn nhận tiền của cô bác, tôi chỉ cần thông báo tôi ốm bệnh này nọ cần giúp đỡ, thì tôi tin tôi sẽ nhận được rất nhiều. Tôi chưa bao giờ làm thế và hy vọng sẽ không bao giờ phải làm thế!", Nguyễn Bích Lan cho biết thêm.
'Lòng trắc ẩn của chúng ta vô giá', dịch giả Nguyễn Bích LanSau những ngày liên tục giúp những mảnh đời bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ở phía Nam, dịch giả Nguyễn Bích Lan lại tập trung vào "cày" trên cánh đồng chữ của mình để có cái ăn, đồng thời có cơ hội giúp đỡ những người khác. "Xin đa tạ các cô bác, các chị em đã cùng tôi san sẻ với đồng bào gặp đại nạn trong những ngày này. Lòng trắc ẩn của chúng ta vô giá", tác giả cuốn Sống trong chờ đợi chia sẻ.
Một cô gái tưởng như chỉ nằm một chỗ, làm bạn với những bức tường khi căn bệnh loạn dưỡng cơ ập tới năm 14 tuổi. Nhưng không, Nguyễn Bích Lan đã trở thành dịch giả - nhà văn bằng nghị lực sống phi thường, cho người ta thấy như bông hoa hướng dương vươn lên dưới ánh nắng mặt trời.
Trong dịch COVID-19, có người ví Nguyễn Bích Lan như "cô tiên" của những câu chuyện cổ tích, nhưng tin chắc "người thợ cày" này sẽ chẳng bao giờ nhận về mình những thứ cao siêu như thế. Dẫu vậy, với những gì "cô gái không gục ngã" đã, đang làm cho những phận đời không may rơi vào cảnh chênh vênh trong đại dịch, Nguyễn Bích Lan có khác gì cô - tiên - giữa - đời - thường!
https://suckhoedoisong.vn/co-mot-nguyen-bich-lan-khong-guc-nga-va-nhung-chuyen-khoan-nghia-tinh-mua-covid-19-169210825025453864.htm
Hoa Quỳnh
Ảnh: FBNV