Dân gian có câu “Học ăn học nói học gói học mở”, thế nhưng ngày nay không hiếm các học trò “ăn không nên đọi, nói không nên lời”: nói chậm chạp lí nhí vòng vo, thiếu hẳn kính ngữ, diễn đạt tối nghĩa, không hiểu được ý người đối thoại, “có vấn đề” với đọc-hiểu,... Và ngược lại, nhiều em nói liến thoắng, cướp lời, nói lấy được, “thảo mai” để làm hài lòng người khác nhưng không thật. Cả hai kiểu đều bộc lộ sự yếu kém về trí thông minh giao tiếp xã hội.
Điều mà ai cũng biết là một học sinh giao tiếp bằng lời nói không hiệu quả sẽ dễ dàng nản chí, thậm chí rút lui về mặt xã hội, ảnh hưởng đến học tập, chẳng hạn thường vất vả trong việc phát biểu xây dựng bài, gặp bất lợi trong việc thể hiện bản thân và ảnh hưởng đến tâm lý (dễ bị cô lập, bị bạn bè trêu chọc, mất dần tự tin, dần dần không muốn trò chuyện và chia sẻ với bất kỳ ai).
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quá trình phát triển lời nói và ngôn ngữ của trẻ:
Do yếu tố môi trường (trẻ không được quan tâm đúng mức, không được nghe những người khác nói, ít cơ hội mở rộng quỹ từ thông qua việc nghe kể chuyện/đọc truyện, tập hát,...).
Do có bệnh lý thực thể hoặc vận động hoặc trí tuệ: khiếm khuyết trong vòm miệng như hở hàm ếch, hở môi, dính thắng lưỡi khiến trẻ khó khăn khi phát âm. Gặp vấn đề về thính giác như khả năng nghe kém, mất thính giác, nhiễm trùng tai. Mắc các bệnh lý về não và thần kinh ảnh hưởng đến các vùng não đảm nhiệm chức năng nói và tiếp nhận ngôn ngữ.
Ngoài ra, có thể xuất phát từ các nguyên nhân sốc tâm lý; cha mẹ cho trẻ tiếp xúc với tivi, điện thoại quá sớm; trẻ ít được tiếp xúc với môi trường bên ngoài; trẻ sinh non; trẻ tự kỷ,...
Ở đây chỉ xin bàn đến việc trẻ bị... dạy nói sai.
🔹Từ lúc trẻ học nói:
Trẻ bắt đầu làm quen với âm thanh ngay từ trong bụng mẹ. Sau khi sinh ra, trẻ chưa thể nói chuyện mà biểu hiện bằng các cử chỉ (nhăn mặt, khóc, vặn vẹo,…) để thể hiện các nhu cầu về thể chất và cảm xúc . Đến tháng thứ 3 - 4 bé bắt đầu “hóng chuyện”.
Các chuyên gia nghiên cứu về quá trình phát triển của trẻ em đã phân loại những gì bé có thể hiểu (được gọi là “ngôn ngữ tiếp thu”) và những gì bé có thể nói (được gọi là “ngôn ngữ biểu cảm”). Từ 1 tuổi rưỡi, nhiều bé học được xấp xỉ 9 từ mới mỗi ngày, tức là hơn 250 từ mỗi tháng! Khi lên 2 tuổi, bé bắt đầu biết kết hợp từ thành “câu” có hai từ, biết làm theo những hướng dẫn đơn giản, lặp lại từ khi nghe người khác trò chuyện. Hai tuổi rưỡi là giai đoạn “bùng nổ” trong ngôn ngữ với vốn từ tăng mạnh. Ba bốn tuổi, hầu hết những phát triển ngôn ngữ xuất hiện tự nhiên từ các loại hoạt động mà bé cùng làm hàng ngày với người xung quanh. Đến 5 tuổi, bé nói chuyện khá trôi chảy.
Vậy mà khá nhiều gia đình bận rộn, đã không thực sự “đầu tư” cho giai đoạn vàng này, giao trẻ cho người nói ngọng, người quá kiệm lời, người hay la mắng, nói tục nói bậy trông coi trẻ và... dạy trẻ nói.
🔹Người lớn làm khó trẻ: • Phát âm không chuẩn: nựng nịu trẻ, bắt chước giọng nói bi bô của con trẻ vì “thấy cưng quá”: “măm măm”, đi “nụ”, đi “tơi”, “iu xế”, “ùm nào”,… Thế mới có chuyện, đến thăm gia đình có con nhỏ, cả nhà nói đớt, chỉ có trẻ đi học là phát âm chuẩn!😂
• Nghe trẻ nói câu cú sai, ngây ngô nhưng không sửa, tặc lưỡi nghĩ lớn lên con khắc tự biết mà điều chỉnh.
• Trong sinh hoạt, người lớn trong nhà hay nói quá lên, nói bóng gió khiến trẻ vô cùng “hại não”: Con xin phép đi chơi thì thản nhiên nói “Có giỏi mày cứ đi đi!”, phải nhiều năm sau trẻ mới hiểu ý ở đây là “không được”. Muốn nhắc bé chào, lại hỏi “Sao còn giương mắt ra đó?”, thay vì nhắc con leo trèo cẩn thận, lại “tiên tri”: “Rồi có bữa té giập mặt cho mà xem”, muốn cảnh báo nguy hiểm với vật nuôi: “Ờ, ra đấy rồi nó cắn cho”. Cháu hỏi ông: “Tại sao châm lửa vào quả bóng bay nó kêu cái bụp?”, ông thủng thẳng đáp: “bây giờ ông đốt đít mày, mày có kêu không?”. Nhắc nhở con đi đứng đàng hoàng mãi không được, nó ngã thì “Cho chết, sướng chưa?!”...
• Cách nói ví von, bắc cầu không phù hợp với tuổi nhỏ: Thay vì dạy trẻ thưa gửi lại nói “miệng cứ câm như hến/ im như thóc là sao”. Con ham chơi: “cứ ôm cái điện thoại xem có no được không”. Chưa làm bài: “không học sau có mà đi ăn mày/bán vé số/móc cống” (lại còn miệt thị nghề nghiệp lương thiện nữa nha). Trẻ không nghe lời: “loại nước đổ lá khoai/ đổ đầu vịt/cá không ăn muối”,... Trẻ đã không được chỉ bảo gì, càng lúng túng thêm.
Triết gia Mỹ Ralph Waldo Emerson (1803-1882) nhận định: “Tất cả trẻ con đều là người ngoại quốc”😊. Hãy ghi nhớ điều này khi cho trẻ làm quen với Tiếng Việt, để bé rèn luyện trí thông minh giao tiếp xã hội, “gói” được “mở” được tiếng mẹ đẻ của mình.💚
Bs Nguyễn Lan Hải. Bài đăng trên tuần san Công giáo & Dân tộc. Hình minh họa: HQCBM