Cuối năm, tham dự chia sẻ câu chuyện “Hạt mầm cho mùa mới” do Hội Quán Các Bà Mẹ tổ chức tại Warm Nest ở quận 3, Sài Gòn, quả thực là một chuyến đi, mà như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã gọi như là chiếc vé đi về miền tuổi thơ.
Rốt cuộc thì, chúng ta cần bao nhiêu hành động nữa để gieo kịp hy vọng cho tương lai. Ảnh: Thanh Thúy.
Có một thứ ngôn ngữ rất khác, ta tạm gọi nó tên là ngôn ngữ cảm xúc, rất tươi mới và hồn nhiên như mình là trẻ mới lên năm. Thế nên nhìn cây lúa được trồng trong chậu mang lên cho mọi người cùng ngắm mà thấy như bao nhiêu điều yêu thương cứ tràn về.
Tôi nhớ, có những mùa, cả nhà hè nhau đi sạ, con nít đi phía sau người lớn lõm bõm những lỗ trâu (vết chân người lớn để lại), để rồi mỗi khi bị con đỉa nó bu ngồi khóc tu tu đòi ra khỏi ruộng, vết cắn chưa khô mày hẳn còn nguyên vết máu rỉ đã lại đòi chạy ra ruộng tiếp. Mê ruộng hổng phải mê lúa mê sạ hay mê làm gì cho ba má, mà mê ruộng là ở cái bùn, nắm trên tay cục bùn chọi nhau chơi dơ đã dữ lắm.
Sạ xong, đám mạ non lún phún xanh mơn khắp cánh đồng, lũ trẻ con chúng tôi lại hè nhau đi đuổi đám chim sâu gà vịt dám canh me ăn hết đám mạ non quý giá mới gieo. Có nhiều khi ngủ quên trên gốc cây ven ruộng, cũng nhờ thằng đi đuổi gà vịt nhà bên cạnh mà mạ nhà mình giữ được nhiều hơn. Đó, hồi đó hàng xóm rất là vui, đánh nhau tối ngày chớ mà đuổi gà vịt là phụ nhau tài lắm.
Rồi khi đám mạ lớn, xinh lắm nhe, lớn thẳng thớm thơm tho thì tụi mình tranh thủ đi cùng mấy ông chú bắt mấy con chuột đồng, tụi nó thấy vậy mà ranh, toàn canh ngày gặt với mạ ngọt mà lủm nên tụi tui là phải canh, canh bắt cho bằng hết, được bữa chuột nhiều thì tha hồ mà chén.
Lo nhất là lúc nào biết hông? Là khi lúa trổ bông đó, lỡ mà trổ hông được bao nhiêu, là lòng ba má tui buồn dữ lắm, chớ mà tui nhớ rõ, dù có buồn cỡ nào nhưng mất mùa thì cũng hổng có thiếu ăn, vui thì không rồi đó nhưng mà cũng hổng có thiếu ăn, gạo lúc nào cũng còn dư đầy bồ ăn không hết.
Mà đám nhỏ tụi tui, khoái nhất là mùa gặt về, tụi nhỏ tha hồ chơi rơm cho ngứa với ăn ngon nữa, được ăn cơm mới, được ăn chuột đồng, rắn rít quanh đồng, rồi nữa là chất cây rạ rồi phóng êm từ giữa cây rạ xuống đất, để rồi tối về nhà cái lưng nó ngứa, bị ba má hỏi rồi bị ăn đòn thì vẫn mê lỷ mê ly mấy cái trò đó. Rồi cứ vậy từng mùa từng mùa trôi qua, rồi chính những người như tôi – rời xa ruộng đồng rất xa từ khi nào không biết nữa.
Để mà hôm qua, ở trong một toà nhà sang trọng bậc nhất Sài thành, nhìn cây lúa ân nhân mà tôi thấy lòng mình lạ, lúa đó người đây mà khác xưa lắm rồi.
Nghe Phước Minh, gạo Tâm Việt chia sẻ, bây giờ người ta làm ruộng lúa toàn dùng phân dùng thuốc, đất dùng phân thuốc nhiều riết rồi bệnh hoài, cứ năm sau ruộng đồng lại bệnh nhiều hơn năm trước, cho nên Tâm Việt quyết dựa vào thiên nhiên, dựa vào thiên địch, dựa vào vịt vào cá mà nuôi sống cánh đồng.
Nhìn em nói, tôi thấy bàn tay em còn run lên bần bật do chắc làm nông thì đã quen nhiều rồi, chứ mà đứng nói trước đông người như vầy hẳn là chuyện hiếm với em, nên đứng nói có mấy câu mà như muốn ngồi thụp ngay xuống vậy đó.
Ừa thì nông dân là vậy, có quen mấy việc đó đâu mà rành. Cứ lấy kỹ năng “doanh nhân” mà đi đo với nông dân là thua. Giỏi đi lấy kỹ năng “nông dân” mà đi so với doanh nhân thì cũng còn thua nữa. Cho nên, Tâm Việt làm tốt việc trên cánh đồng, mang lại được sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, phổ biến và chia sẻ được kỹ năng làm nông hữu cơ cho nhiều bà con, vậy là đã tài năng lắm rồi.
Việt Nam là nước nông nghiệp lâu đời, tôi thấy chẳng có gì phải xấu hổ vì nhận định đó. Đó chả phải là thế mạnh mà các nước khác dù có muốn cũng không có được hay sao? Nước nào dù phát triển đến đâu cũng làm sao tránh khỏi việc sử dụng các sản phẩm nông nghiệp. Sao không giữ vững được bản sắc nông nghiệp, tư duy nông nghiệp cho quốc gia mình?
Là một người trẻ đương quay đầu làm nông nghiệp, tôi muốn rằng mọi nông dân sẽ sống được và sống hạnh phúc trên chính đồng lúa của mình, tôi cũng hy vọng những quốc gia khác thèm khát những sản phẩm nông nghiệp chân chính của người Việt Nam. Tôi mong được cùng nhiều người hơn nữa, giữ lại vẻ đẹp và giá trị truyền thống cho cây lúa, cho nền nông nghiệp của nước Việt quê mình.
Rốt cuộc thì, chúng ta cần bao lâu nữa, cần bao nhiêu hành động nữa, cần bao nhiêu buổi chia sẻ “hạt mầm cho mùa mới” nữa để gieo kịp hy vọng cho tương lai?
Mới hỏi đó đã nghe nói mùa mới lại sắp sạ rồi, hy vọng thôi.
Phan Đinh Trường Thi Theo TGTT https://thegioihoinhap.vn/uncategorized/cay-lua-hom-qua-va-hom-nay/